Bứt phá bằng chuyển đổi số

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các DN Nhà nước (DNNN) diễn ra mới đây, trên tinh thần chủ động, tiên phong, các DNNN khẳng định nỗ lực đưa chuyển đổi số toàn diện, từ đó tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Trần Hải

Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh. Những năm qua, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đất nước đều vượt qua các khó khăn. Theo Thủ tướng, trước những khó khăn, thách thức trong những năm qua như đại dịch Covid-19, xung đột nổ ra tại nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ… "Chúng ta đều đã vượt qua được nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, trong đó có vai trò rất quan trọng của các DNNN" - Thủ tướng nói. Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, thách thức thì toàn xã hội càng phải nỗ lực, trong đó có các DN, đặc biệt là DNNN khi chúng ta xác định kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng cũng nêu những yêu cầu cụ thể như: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần tích cực hơn nữa trong triển khai sân bay Long Thành, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tích cực hơn nữa trong xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành… Thủ tướng lưu ý, với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần yêu nước, tiên phong gương mẫu, các DNNN phải phối hợp với nhau, với các DN tư nhân tốt hơn nữa; cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Nhật Bắc
Các doanh nghiệp dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Nhật Bắc

Phải có đột phá về dữ liệu và hạ tầng

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái nhấn mạnh, để đột phá trong thời đại số, các DNNN cần thay đổi tư duy làm việc như các công ty công nghệ. Với chiến lược này, MB đã liên tục đầu tư khoảng 100 triệu USD/năm cho công nghệ trong 7 năm qua, áp dụng công nghệ tiên tiến để nhanh chóng mở rộng quy mô khách hàng. Kết quả, 5 năm trở lại đây MB thu hút thêm 5–7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.

“Chúng tôi cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường" - ông Lưu Trung Thái chia sẻ. Trên cơ sở đó, ông Lưu Trung Thái kiến nghị là nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho DNNN, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này. “Cho phép DNNN có chế độ trả lương như DN tư nhân, từ đó các DNNN sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số” - ông Lưu Trung Thái kiến nghị.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng chỉ ra các trụ cột cần ưu tiên để DNNN chuyển đổi số hiệu quả, đó là: cần xây dựng quy trình và thể chế theo kịp sự phát triển của công nghệ, đột phá về dữ liệu, hạ tầng, khai thác hiệu quả nền tảng số. Đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm không bị rò rỉ, thất thoát, lấy cắp thông tin. Cuối cùng là vấn đề con người, khi giao diện trên môi trường số đã được thiết kế thân thiện thì bộ phận các công chức, viên chức cần nâng cao nhận thức đối với công tác chuyển đổi số…

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cũng khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên và trên hết của ngành là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế với tốc độ 8% hoặc cao hơn, sẵn sàng cho các kịch bản tăng trưởng hai con số. Với sự điều hành của Bộ Công Thương, chúng tôi đã xây dựng kịch bản năm nay là tăng trưởng từ 11 - 13%. Với các tính toán hiện nay, sau 1 quý, chúng ta có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro.

Về ứng dụng chuyển đổi số, EVN đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay, với thuận lợi về hệ thống cáp quang rộng khắp, kết nối đến tất cả các đơn vị cấp huyện trên cả nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn EVN cũng nhìn nhận, phần khó nhất hiện nay trong chuyển đổi số là cải tiến quy trình nội bộ. Hiện EVN đang tự phát triển các giải pháp là chính và rất mong muốn các tập đoàn, DN công nghệ thông tin có nhiều sản phẩm, giải pháp hơn nữa phục vụ quản trị của các DN.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), các giải pháp về công nghệ số đã góp phần giúp Petrovietnam duy trì được tốc độ tăng trưởng về doanh thu, khoảng 16,7%/năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, năm 2025, Tập đoàn đã tăng đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ lên mức 5, tức là mức dẫn dắt và của toàn tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030. "Phấn đấu đến năm 2030, Petrovietnam lọt vào top 500 DN lớn nhất thế giới” - ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.

Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế
Cần thêm những chính sách thúc đẩy ngành bán lẻ

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.