Luật Thủ đô 2024

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao

Trong Luật Thủ đô 2024, quy định phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là điều mới so với Luật Thủ đô năm 2012. Điều này đã thực sự mang đến những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho Hà Nội, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đặt nền móng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao
Nững vườn cây tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Những điểm mới mang đến cơ chế chính sách đặc thù vượt trội

Luật phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP Hà Nội quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao .

Thể chế hoá các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, khoản 1 Điều 32 Luật Thủ đô 2024 xác định: “Phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững; chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Luật Thủ đô 2024 quy định nhiều chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Thủ đô.

Phân quyền mạnh mẽ cho HĐND TP quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Giao HĐND TP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp; UBND TP quyết định cấp phép xây dựng các công trình để phục vụ trực tiếp việc sản xuất nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Quy định này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng năng suất của cả chuỗi sản xuất nông nghiệp từ khâu trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản đến bao tiêu sản phẩm.

Luật Thủ đô 2024 cũng quy định áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.

Một số giải pháp cần thực hiện

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao
Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực. Ảnh: Khánh Huy

Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống, tạo không gian xanh và địa điểm vui chơi cho người dân Thủ đô, quy hoạch phát triển nông nghiệp cần tiếp tục thiết lập không gian phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cho TP theo hướng xây dựng 3 vành đai, 4 khu vực. Phát triển 3 vành đai nông nghiệp xác định theo khoảng cách như sau: vành đai nông nghiệp nội đô có bán kính dưới 10 km; vành đai nông nghiệp ven đô có bán kính từ 10 - 20 km; vành đai nông nghiệp xa đô thị có bán kính từ 20 - 50 km.

Bốn khu vực phát triển nông nghiệp của TP bao gồm: khu vực 1, vùng nội đô lịch sử, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp đô thị nhằm tạo không gian xanh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và tận dụng giải quyết một phần rác hữu cơ trong đô thị.

Khu vực 2, vùng đô thị mở rộng gồm diện tích trong vành đai 4 bao gồm cả 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận, các huyện định hướng phát triển theo mô hình TP trong TP và phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi mạnh sang đô thị, nông nghiệp khu vực này tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất để ứng dụng các mô hình sản xuất phù hợp, xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo hành lang xanh cải thiện môi trường sống, phát triển các diện tích cây trồng tập trung, mặt nước, sát kề đô thị tạo cảnh quan môi trường sinh thái ứng phó thiên tai, dự trữ tài nguyên nước...

Khu vực 3, vùng phạm vi quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận, định hướng phát triển sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm.

Khu vực 4, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm các vùng còn lại như: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất..., quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến.

Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng các mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, nhất là chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, TP quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần định hướng trước mắt cũng như lâu dài cho sản xuất nông nghiệp đô thị của TP Hà Nội; phù hợp với điều kiện không gian ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa; tương thích với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu…

Về loại hình công nghệ cần ưu tiên đầu tư cho công nghệ cao trong sản xuất rau và hoa, công nghệ an toàn trong rau, gạo, thịt, công nghệ hữu cơ trong rau và công nghệ sinh học: ví dụ công nghệ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới và tưới bằng nước ngầm qua xử lý, công nghệ sinh học lai tạo, chọn lọc giống chất lượng, năng suất và khả năng chống chịu môi trường cao, công nghệ vi sinh trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, công nghệ chăn nuôi chất lượng cao và xử lý chất thải, công nghệ truyền thống trong kỹ thuật canh tác nhằm bảo vệ nguồn lực và duy trì đa dạng sinh học...

Về loại nông sản chủ yếu cần chỉ đạo phát triển tập trung một số sản phẩm chủ yếu cho từng vùng trong từng giai đoạn với các vùng tập trung chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò sữa.

Về lĩnh vực áp dụng công nghệ, cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao cho khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, kiểm tra chất lượng về sinh an toàn thực phẩm, phòng trừ sâu bệnh, chăn nuôi theo phương thức chăn thả hoặc bán công nghiệp kết hợp xử lý chất thải. Tiếp tục mở rộng tập huấn chuyển giao kỹ thuật áp dụng giống mới và sản xuất sạch.

Cùng với đó, TP cần đẩy mạnh khuyến khích việc hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp đô thị, liên kết trong sản xuất từ trang trại tới người tiêu dùng.

Đối với thị trường các sản phẩm cảnh quan và các dịch vụ nghỉ ngơi giải trí (đặc biệt là dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần ở các vùng được quy hoạch để phát triển du lịch sinh thái), những hạn chế về cầu và các điều kiện để cung cấp dịch vụ như: vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách... đã kìm hãm sự phát triển của thị trường này. Đối với thị trường các sản phẩm an toàn (như rau sạch), mặc dù người tiêu dùng có cầu ngày càng tăng về sản phẩm nhưng hạn chế về thông tin, kênh tiêu thụ, giá cả, chất lượng sản phẩm, trật tự thị trường làm cho công tác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Đối với thị trường các sản phẩm an toàn (như rau sạch, thực phẩm sạch), cần tạo những điều kiện để các sản phẩm này tiếp cận dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Thực tế là nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô đối với các sản phẩm an toàn ngày càng tăng nhưng các điều kiện để gắn kết người tiêu dùng có nhu cầu với sản phẩm sạch còn yếu kém.

Để giải quyết vấn đề thông tin cho sản phẩm, người sản xuất cần xây dựng thương hiệu, tiến tới cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm, kết hợp tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm rau sạch để người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ nguồn gốc. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm bắt đầu bằng nhãn hiệu, mã vạch, bao gói để phân biệt với các sản phẩm thông thường.

Chất lượng và độ an toàn sản phẩm là một vấn đề quan trọng để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng. Thực tế không chỉ đối với rau sạch có vấn đề gian dối về chất lượng mà các sản phẩm thông thường khác cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, để lập lại trật tự thị trường, phải nâng cao vai trò của luật pháp để xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm nội quy an toàn thực phẩm, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh cung cấp nông sản cho Hà Nội có sự kiểm soát đồng bộ ngay từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm. Sự kiểm tra giám sát này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc, trong đó tăng cường quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm dịch.

Khơi dậy tiềm năng từ làng nghề truyền thống Khơi dậy tiềm năng từ làng nghề truyền thống

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.