Khơi dậy tiềm năng từ làng nghề truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Hiện nay, nón làng Chuông vẫn nhận được sự ủng hộ của người dùng trong cả nước và đã xuất khẩu sang các nước khác. Ảnh: Khánh Huy |
Hai làng nghề Hà Nội gia nhập mạng lưới thủ công sáng tạo toàn cầu
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, toàn TP hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 337 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Riêng trong năm 2024, Sở đã tham mưu UBND TP tổ chức họp Hội đồng thẩm định, xét công nhận danh hiệu cho 14 làng nghề.
Thành phố hiện có 745/2.711 sản phẩm OCOP (chiếm 27,48%) là sản phẩm của các làng nghề, làng có nghề. Doanh thu của các làng nghề đã được UBND TP công nhận ước đạt trên 24.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao nổi bật như làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá đạt 1.200 tỷ đồng; làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng đạt 1.100 tỷ đồng; làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt hơn 1.000 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc – may thôn Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng; hai làng nghề giày da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ (xã Phú Yên) đạt 500 – 700 tỷ đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2025, Hà Nội đón nhận tin vui khi hai làng nghề: gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới (do Hội đồng Thủ công thế giới công nhận), đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 28 gia nhập mạng lưới này.
Để được Hội đồng Thủ công thế giới lựa chọn, các làng nghề phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe như phát triển hài hòa giữa văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường; có bề dày lịch sử văn hóa làng nghề; bảo đảm giữ gìn kỹ thuật thủ công truyền thống; có số lượng nghệ nhân đang truyền nghề; sự gắn kết cộng đồng.
Kết quả này không chỉ khẳng định vị thế của Hà Nội trên bản đồ văn hóa thế giới mà còn mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời khơi dậy sức sáng tạo trong phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, hướng ra quốc tế. Qua đó, làng nghề từng bước trở thành điểm đến văn hóa, du lịch và thương mại sáng tạo và hấp dẫn.
Theo đại diện UBND phường Vạn Phúc, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công thế giới dựa trên 4 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Sản phẩm lụa truyền thống của làng được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời làng có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi miệt mài gắn bó với nghề, phát triển các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Làng lụa Vạn Phúc đã tạo dựng được thương hiệu mạnh trong nước và vươn ra thế giới.
Tương tự, làng gốm sứ Bát Tràng – trải qua hơn 600 năm phát triển – đã trở thành địa chỉ văn hóa – du lịch nổi tiếng, với thương hiệu gốm Bát Tràng hiện diện tại nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Gỡ nút thắt để làng nghề “hút” khách, tạo giá trị bền vững
Theo Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Thủ đô sở hữu nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, đang từng bước đổi mới, sáng tạo để nâng tầm giá trị và thương hiệu. Một số làng nghề đang trở thành điểm đến du lịch và không gian văn hóa sáng tạo tiêu biểu như làng nghề nón lá Chuông (Thanh Oai), làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất), làng tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)...
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị làng nghề trong phát triển du lịch, thương mại vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, bên cạnh nhiều làng nghề đang nỗ lực chuyển mình, tạo được giá trị thương mại, hiện vẫn còn hàng trăm làng nghề Hà Nội đang gặp khó khăn, thậm chí mai một, do thiếu hụt nhân lực, giới trẻ không mặn mà với nghề truyền thống, môi trường không đảm bảo, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng…
![]() |
Du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm lụa tơ tằm Phùng Xá. Ảnh: Mộc Miên |
Nhìn nhận về sự phát triển các làng nghề, phố nghề Hà Nội, theo ông Đinh Thế (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bấy lâu nay, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số nguyên nhân chính như công tác quy hoạch, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch làng nghề còn chậm. Thiếu hạ tầng đồng bộ phát triển du lịch làng nghề (không gian trưng bày sản phẩm, không gian nghỉ dưỡng, trải nghiệm,...); việc kết nối giữa các làng nghề với các công ty, đơn vị lữ hành còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được nhiều tour du lịch làng nghề, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các làng nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Không chỉ có làng nghề, Hà Nội còn sở hữu nhiều tuyến phố “hàng” đặc trưng như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai… thuộc khu phố cổ quận Hoàn Kiếm – nơi tập trung các hoạt động kinh doanh gắn với văn hóa lâu đời. Những khu phố ẩm thực như Tống Duy Tân – Cấm Chỉ, Tạ Hiện… cũng trở thành điểm đến yêu thích của người dân và du khách.
Trên cơ sở đó, Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình khu thương mại và văn hóa (PTTMVH), vừa thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có (khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu chuyên kinh doanh lân cận, khu phố Trịnh Công Sơn, Công viên Thống Nhất, Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Thành cổ Sơn Tây…).
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các mô hình phát triển khu PTTMVH hiện chưa được luật hóa đầy đủ; quy trình từ khâu quy hoạch đến tổ chức, giám sát, đánh giá còn rời rạc, thiếu quy chuẩn. Chưa có chính sách đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tư nhân, dẫn đến việc phát triển chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tính bền vững và đồng bộ.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đang được kỳ vọng sẽ từng bước được giải quyết tại Điều 4 trong dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa đang được TP Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân.
Theo khoản 1, Điều 4 của dự thảo, ưu tiên thành lập khu PTTMVH tại các khu phố, tuyến phố, làng nghề, tuyến phố đi bộ, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại và không gian văn hóa.
Trong đó, hoạt động của khu PTTMVH bao gồm các hoạt động văn hoá như tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, văn hóa truyền thống; xây dựng, phát triển các bảo tàng, nhà truyền thống, không gian trưng bày nghệ thuật; gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, công trình văn hoá, công trình kiến trúc có giá trị, cảnh quan tiêu biểu, phong tục, tập quán tiêu biểu; hoạt động đào tạo, dạy nghề truyền thống; phát triển nguồn nhân lực nghề, văn hoá nghề.
Hoạt động thương mại bao gồm phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại và các điểm kinh doanh gắn với đặc điểm văn hoá địa phương; tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ các ngành, nghề truyền thống và đặc sản địa phương.
Hoạt động du lịch bao gồm các hoạt quảng bá, giới thiệu các hoạt động tham quan, du lịch tại khu phát triển thương mại và văn hóa đến du khách trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển du lịch liên kết với các làng nghề, phố nghề và các điểm du lịch, khu du lịch khác.
Dự thảo Nghị quyết về khu PTTMVH đã phần nào làm rõ, giải quyết những tồn tại hiện nay ở phố nghề, làng nghề. Hy vọng với sự quyết tâm của TP, sự vào cuộc của cả chính quyền và người dân sẽ nâng tầm, giúp Thủ đô nỗ lực hơn trong bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề trong tương lai.
![]() | Thành lập khu phát triển thương mại và văn hoá góp phần thúc đẩy thương mại kết hợp bảo tồn ngành nghề truyền thống |
![]() | Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại