![]() |
Chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể “Linh Lang- Khí thiêng hội tụ- Long Biên tỏa sáng”. Ảnh: Phạm Hùng |
Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống
Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hoá (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô 2024) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân nêu rõ, nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa là phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô; kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới,…
Điều đó cho thấy trong các quyết sách phát triển văn hóa, Hà Nội luôn lấy văn hóa truyền thống là cái gốc. Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, về văn hóa truyền thống, Hà Nội là trung tâm văn hóa lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử độc đáo. Với vị trí là Thủ đô, Hà Nội đã duy trì và phát triển các nét văn hóa đặc trưng truyền thống như văn học, nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa dân gian. Trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, Hà Nội có nhiều di sản văn hóa quan trọng, như khu phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm hay những ngôi đền, ngôi chùa khác. "Sự tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội trở thành động lực cho các tỉnh thành khác trong việc bảo tồn và phát triển di sản của họ. Nhiều TP khác đã học tập Hà Nội để thúc đẩy du lịch văn hóa và tạo ra nguồn thu kinh tế từ di sản của mình", thạc sĩ Trần Dũng Hải nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các di tích có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Ông lấy dẫn chứng tại quận Long Biên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang đại vương trên địa bàn quận sẽ phục vụ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó nội dung cốt lõi là quy hoạch các di tích, bảo tồn các bức vẽ, phù điêu mang tính biểu tượng của Linh Lang - Thần Rắn trong các di tích; bảo tồn các nghi thức diễn xướng, bảo tồn - phục chế các vật dụng, đạo cụ mang tính biểu tượng trong các nghi thức của hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng hình thành các tour du lịch chuyên đề Linh Lang và du lịch di tích trọng điểm gắn với sinh thái.
![]() |
Hội nghị tọa đàm "Di sản văn hóa phi vật thể các di tích thờ Linh Lang đại vương, bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa" do UBND quận Long Biên tổ chức. Ảnh: An Nhiên |
Đồng quan điểm, PGS.TS Dương Văn Sáu (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ vật linh mà ở đây là Đức Thánh Linh Lang đã trở thành di sản văn hóa truyền thống mang nhiều giá trị đặc sắc của cộng đồng cư dân trên địa bàn quận Long Biên. Trong tổng số 13 di tích thờ Linh Lang đại vương tại Long Biên thì có 11 di tích đã xếp hạng (9 di tích cấp quốc gia, 2 cấp TP). Đây trở thành nguồn tài nguyên văn hóa nổi trội để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Long Biên trước mắt cũng như lâu dài.
“Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Long Biên nói chung, di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Linh Lang Đại Vương nói riêng để phát triển công nghiệp văn hóa chính là những động thái hoàn toàn đúng đắn và đặc biệt quan trọng của sự kết hợp hài hòa trong quá trình phát triển nhằm kinh tế hóa văn hóa và văn hóa hóa kinh tế trên địa bàn quận Long Biên hiện nay”, PGS.TS Dương Văn Sáu nhận định.
Kết hợp những ý tưởng mới, sáng tạo và hấp dẫn
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đánh giá cao việc phát triển văn hóa, du lịch từ loại hình di tích. Cần liên thông giữa các di tích trong vùng và xa hơn, với những ý tưởng thông minh và sáng tạo, với những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị từ loại hình di tích trong một chuỗi những di tích khác có tính logic, lớp lang, câu chuyện sẽ là một sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học), để bảo tồn và phát triển di sản, vấn đề quan trọng là hình thành chiến lược khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với khai thác tiềm năng phát triển du lịch văn hóa. Cùng với đó hoàn thiện hồ sơ kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở cho định hướng bảo tồn và phát huy trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, cần chú ý cải biến các hình thức tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa bằng cách áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong đó có hình thức đưa di sản văn hóa lên sân khấu biểu diễn.
Để hình thành nên không gian văn hóa tâm linh, theo tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Viện nghiên cứu Kinh thành), cần sự nghiên cứu đầu tư một cách bài bản của nhiều cơ quan chuyên môn. Đặc biệt khi đã hình thành không gian văn hóa này, để duy trì bền vững cần sự chung tay của cả cộng đồng cư dân tạo nên hình thái bảo tồn và phát triển tổ chức không gian của các điểm di sản. Đây là tiền đề sẽ mang lại hiệu quả cao trong phương diện bảo tồn bền vững và phương diện phát huy giá trị di sản.
Ở góc độ quy hoạch, theo tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, trong quy hoạch đô thị nói chung và nói riêng về quy hoạch Thủ đô - đô thị lịch sử luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, trong đó có di sản vật thể. Qua hệ thống quy hoạch đã ban hành từ năm 1954 đến nay, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều đề cập đến yêu cầu về di sản vật thể. Giai đoạn tới, Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2045, để xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” đã đề cập đến phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô cần chú trọng đến bảo tồn, phát huy những giá trị di sản, trong đó có di sản vật thể.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô (Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/7/2022) của Thủ tướng Chính phủ đã xác định 5 quan điểm lập quy hoạch, trong đó có “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa… khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến”.
Để thực hiện những định hướng này, Hà Nội cần chú trọng đến các nội dung như: nhận diện quỹ di sản; phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng và bổ sung hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý. Các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, giữ gìn. Riêng với bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể cần có đề xuất cụ thể hơn về quản lý với từng loại di sản và chính sách hỗ trợ để cộng đồng có vai trò, trách nhiệm.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể cần thể hiện rõ ở các nội dung như: phân tích, đánh giá, xác định là đặc thù của Thủ đô, là giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển; là khâu đột phá liên quan đến các nội dung tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, kết nối trong vùng, hệ thống giao thông bảo tồn thiên nhiên,…
Chương trình 06-CTr/TU: tạo đột phá trong phát triển văn hóa, con người Thủ đô | |
Phát triển Trung tâm Công nghiệp văn hóa làm phong phú thêm đời sống Nhân dân Thủ đô |
An Nhiên
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-trien-van-hoa-du-lich-thu-do-tu-loai-hinh-di-tich-416103.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.