Phát triển Trung tâm Công nghiệp văn hóa làm phong phú thêm đời sống Nhân dân Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng
Một trong những điểm nổi bật của Luật Thủ đô 2024 là các quy định về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được quy định tại Điều 21.
Cụ thể, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch quy định việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
HĐND TP quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế; đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Trong đó, khoản 7 quy định TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
HĐND TP quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của TP.
Hiện nay, các khu vực bãi nổi sông Hồng và bãi sông trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực vẫn còn hoang hóa, thiếu quy hoạch cụ thể và chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai mà còn dẫn đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai phạm. Trước đó, góp ý về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội là TP Thủ đô, là một thể chế đặc thù, ở đó có cả đô thị và nông thôn, nhưng nông thôn trong TP thuộc Thủ đô cũng phải chịu quản lý theo quy chuẩn riêng.
"Sông Hồng phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, là trung tâm hội tụ các hoạt động của TP để trở thành không gian phát triển dịch vụ, thương mại sầm uất. Nhưng rất tiếc, hai bên bờ sông Hồng hiện đang bỏ hoang hóa, phát triển tự phát, nhếch nhác và nhiều tệ nạn xã hội do không thể tổ chức khai thác vì vướng vào một quyết định về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình.
Từ đó, làm cho đất vàng hai bên sông tại Hà Nội cũng giống như bãi cỏ hoang hai bên sông ở các tỉnh khác", đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ.
Vì vậy, Luật Thủ đô 2024 có các quy định về khai thác hai bên sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy theo hướng quy định về căn cứ hình thành các hành lang là hết sức cần thiết.
![]() |
Bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Khánh Huy |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống
Hiện nay, dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp văn hoá (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô 2024) đang được TP Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân. Trong đó nêu rõ, nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp văn hóa phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô.
Việc lập quy hoạch Trung tâm Công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
Cùng với đó, kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.
Trung tâm Công nghiệp văn hóa phải tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.
Về nguồn lực, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Hiệu quả đầu tư được tính toán hài hòa, dài hạn trên tổng thể lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và lợi ích của toàn xã hội.
Trung tâm Công nghiệp văn hóa được thành lập theo các mô hình tổ chức: doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập; hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.
Đồng tình và ủng hộ việc thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Công nghiệp văn hóa, tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho biết, với sự ra đời của Trung tâm Công nghiệp văn hóa sẽ giúp hình thành được những không gian văn hóa có quy mô hoặc ngay từ những không gian nhỏ, từ đó sẽ khái quát lên để có những chính sách phù hợp cho không gian lớn hơn.
“Hy vọng những mô hình và ưu đãi như vậy sẽ giúp việc hình thành Trung tâm Công nghiệp văn hóa Thủ đô cho từng nhóm ngành cụ thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tốt hơn” - tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh chia sẻ.
Bày tỏ ý kiến, ông Nguyễn Văn Hùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, việc phát triển Trung tâm Công nghiệp văn hóa trên khu vực bãi sông Hồng sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Thủ đô, đồng thời tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Ông bày tỏ, mong muốn dự án sẽ được thực hiện một cách minh bạch, hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Dự thảo Nghị quyết về quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh; hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đồng thời gắn kết mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với xây dựng "Thành phố sáng tạo" để Thủ đô xứng tầm là thành viên của Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO, là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2025: tôn vinh giá trị di sản văn hóa | |
Quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại