Gieo mầm tương lai cho trẻ em vùng cao là hành trình bắt đầu từ sự tử tế

Một buổi sáng khác biệt nơi điểm trường Tân Sơn, không phải bởi tiếng trống trường hay sự tấp nập quen thuộc, mà bởi một điều chưa từng có đó là một mái trường mới chính thức được khởi công, đặt nền móng từ chính nơi các em từng học trong gian khó.
Gieo mầm tương lai cho trẻ em vùng cao là hành trình bắt đầu từ sự tử tế
Lễ khởi công và gây quỹ xây dựng trường tại điểm trường Tân Sơn (huyện Quan Hoá, Thanh Hoá). Ảnh: Khánh Huy

Tân Sơn là điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) – bao năm qua quen thuộc với hình ảnh những lớp học tạm bợ, mái dột, nền gồ ghề và thiết bị học tập cũ kỹ.

“Phòng học không có cửa, nền đất nứt nẻ, thiết bị hỏng hóc, không đảm bảo điều kiện dạy và học. Nhưng nay thì khác rồi” – thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân chia sẻ.

Khác là bởi một chiến dịch thiện nguyện đặc biệt được khởi động. Tại buổi lễ khởi công xây dựng điểm trường mới, ông Nguyễn Xuân Hợp – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Midu MenaQ7 – đã chính thức phát động chiến dịch “Mỗi sản phẩm – một viên gạch xây trường”. Ông khẳng định: “Chúng tôi cam kết 100% doanh thu từ sản phẩm sẽ được dùng để xây trường. Dù chiến dịch gây quỹ có đạt tiến độ hay không, công trình vẫn sẽ hoàn thiện để kịp đón các em vào năm học mới”.

Dự kiến, điểm trường mới sẽ cần khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng để hoàn thiện. Tất cả tiến độ xây dựng và thông tin tài chính sẽ được cập nhật minh bạch trên nền tảng website riêng của chiến dịch.

Chiến dịch tại Tân Sơn chỉ là một phần trong chuỗi hoạt động lâu dài mà đơn vị theo đuổi: trao xe đạp, tặng máy tính, hỗ trợ thể chất cho học sinh vùng khó. Tất cả cùng xoay quanh một giá trị đó là lấy trẻ em làm trung tâm, lấy giáo dục làm nền tảng phát triển cộng đồng.

Gieo mầm tương lai cho trẻ em vùng cao là hành trình bắt đầu từ sự tử tế
Các em học sinh trong lớp học cũ tại điểm trường Tân Sơn. Ảnh: Khánh Huy

Không chỉ dừng ở việc xây trường, doanh nghiệp này còn cam kết hỗ trợ trang thiết bị học tập sau khi hoàn tất công trình tạo nên một môi trường học đầy đủ ánh sáng và cơ sở vật chất cho trẻ em vùng cao.

Ông Phạm Bá Khâm (Trưởng bản Tân Sơn) nghẹn ngào nói: “Bà con chúng tôi từng mơ về một mái trường khang trang, nhưng không thể tự mình làm được. Nay giấc mơ ấy đã đến gần hơn bao giờ hết”.

Ông Lê Như Anh (thành viên Ban điều hành Câu lạc bộ Vì Trẻ Em Vùng Cao) chia sẻ: “Cơ sở vật chất tốt sẽ là động lực để học sinh đến lớp, giáo viên yên tâm giảng dạy từ đó nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững”.

Giữa vùng núi non hùng vĩ, nơi những con dốc vẫn chưa ngừng thử thách bước chân trẻ nhỏ mỗi ngày đến lớp điều các em cần không phải là phép màu, mà là những người lớn biết cách gieo mầm từ tâm. Và một mái trường vững chắc, đủ ánh sáng đôi khi chính là khởi đầu cho một tương lai khác.

Tìm về ngôi trường dạy báo chí đầu tiên của Việt Nam Tìm về ngôi trường dạy báo chí đầu tiên của Việt Nam

Gần 80 năm trôi qua, lớp học viết báo đầu tiên mang tên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi khởi nguồn báo ...

Tờ báo Nhựa sống - tinh thần kháng chiến của học sinh Thủ đô Tờ báo Nhựa sống - tinh thần kháng chiến của học sinh Thủ đô

Ra đời trong phong trào học sinh kháng chiến sôi nổi giữa lòng Hà Nội tạm chiếm, tờ Nhựa sống không chỉ là tiếng nói ...

Khánh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.