![]() |
Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) việc lấy ý kiến cử tri được triển khai bài bản, minh bạch, dân chủ, đúng quy định. Ảnh: Hồng Phúc |
Khẩn trương lấy ý kiến Nhân dân
Căn cứ kết quả hội nghị phổ biến, quán triệt, thống nhất dự thảo phương án giữa Thường trực Ban Chỉ đạo TP với Thường trực các quận, huyện, thị ủy; UBND TP đã hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội để gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND các cấp về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội theo quy định.
UBND TP Hà Nội đã đề nghị các UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện theo tiến độ chỉ đạo của TP Hà Nội; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về UBND TP Hà Nội (qua Sở Nội vụ) để tham mưu UBND TP xem xét, chỉ đạo.
Hướng dẫn nêu rõ, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến Nhân dân là phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn mà hộ gia đình cư trú. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Việc phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp cho đại diện hộ gia đình hoặc tổ chức hội nghị cử tri đại diện hộ để phát phiếu lấy ý kiến do UBND cấp xã quyết định (tùy theo điều kiện, địa phương lựa chọn hình thức phù hợp). Nội dung lấy ý kiến: xin ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình thành trên địa bàn quận, huyện, thị xã; xin ý kiến về dự kiến tên gọi của các đơn vị hành chính mới.
UBND cấp xã quyết định thành lập các tổ lấy ý kiến Nhân dân theo địa bàn thôn, tổ dân phố hoặc theo khu vực; thành viên mỗi tổ do địa phương quyết định. Tổ trưởng là bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; các tổ viên là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân có uy tín ở thôn, tổ dân phố; thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 19/4/2025. Tổ lấy ý kiến Nhân dân có trách nhiệm nhận phiếu lấy ý kiến do UBND cấp xã cấp. Tổ trưởng phân công cho các thành viên đến các hộ gia đình phát phiếu lấy ý kiến cho cử tri đại diện hộ hoặc phát phiếu lấy ý kiến tại cuộc họp thôn, tổ dân phố hoặc khu vực để lấy ý kiến. Thời gian hoàn thành chậm nhất ngày 21/4/2025.
UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn gửi đến UBND quận, huyện, thị xã (qua Phòng Nội vụ); thời gian hoàn thành trong ngày 22/4/2025. Căn cứ kết quả lấy ý kiến Nhân dân, UBND xã, thị trấn tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trình HĐND xã, thị trấn xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện (qua Phòng Nội vụ); thời gian thực hiện chậm nhất ngày 24/4/2025.
UBND cấp huyện tổng hợp ý kiến Nhân dân trên địa bàn và kết quả kỳ họp HĐND xã, thị trấn; chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND cấp huyện ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn; tổng hợp kết quả báo cáo UBND TP (qua Sở Nội vụ); thời gian thực hiện chậm nhất trong ngày 26/4/2025. Căn cứ kết quả lấy ý kiến cử tri; kết quả kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện, UBND TP tổng hợp kết quả, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện phương án, đề án và hồ sơ có liên quan; hoàn thành trong ngày 27/4/2025.
UBND TP tổng hợp, báo cáo Đảng ủy UBND TP xem xét trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở mới; hoàn thành trong ngày 28/4/2025. UBND TP hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND TP thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở mới; hoàn thành trong ngày 29/4/2025. UBND TP tổng hợp, hoàn thiện đề án và hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định; hoàn thành trước ngày 1/5/2025.
![]() |
Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) việc lấy ý kiến cử tri được triển khai bài bản, minh bạch, dân chủ, đúng quy định. Ảnh: UBND quận Hoàng Mai |
Quyết tâm lớn
TP Hà Nội hiện có 526 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Sau khi sắp xếp tổ chức lại còn 126 đơn vị hành chính cơ sở mới. Tại quận Hoàn Kiếm từ 18 phường sẽ sắp xếp thành 2 đơn vị hành chính cơ sở. Ngay trong ngày 19/4, các phường đã tiến hành việc lấy ý kiến người dân tại thôn, tổ dân phố về chủ trương này. Ngoài việc giữ lại được tên gọi của một địa danh mang ý nghĩa văn hoá, lịch sử là Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm cũng đưa ra phương án giữ lại tên Cửa Nam.
Là người dân sinh ra và lớn lên tại Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Cao Bình cho rằng, mô hình chính quyền hai cấp sẽ giúp chính quyền gần dân hơn. Để có thể hoàn tất được việc lấy ý kiến của hơn 1.100 hộ dân KT1, phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) đã thành lập 6 tổ công tác để triển khai việc lấy ý kiến của người dân. Để hoàn thành tiến độ thời gian, đồng thời đảm bảo việc lấy ý kiến người dân công khai, dân chủ, phường Hàng Gai đã thành lập 6 tổ công tác gồm các lực lượng như công an, các đoàn thể đến từng nhà để người dân không phải đi lại.
Ông Lê Quí Phi - Tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, để thực hiện kế hoạch, UBND phường đã có các bước tuyên truyền trên các hệ thống trang Facebook thông tin điện tử của phường, trang zalo, tổ dân phố trong đó có sơ đồ địa giới hành chính phường mới, phương án sắp xếp phường, kế hoạch của quận.
Để việc sáp nhập đạt tiến độ, chất lượng hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, DN trên địa bàn quận Hoàng Mai cần có sự đồng thuận cao, quyết tâm lớn để bộ máy vận hành hiệu quả ngay trong quá trình sắp xếp, tinh gọn. Trước mắt cần nêu cao vai trò trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị, cá nhân trong công tác tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chất lượng kế hoạch đề ra; quá trình lấy ý kiến phải diễn ra một cách dân chủ, minh bạch, hiệu quả và an toàn, nhận được sự đồng thuận cao.
Huyện Thanh Oai, tại các xã như Kim Bài, Tam Hưng, Dân Hoà, Cao Viên, Cao Xuân Dương, Mỹ Hưng… việc lấy ý kiến cử tri được triển khai bài bản, minh bạch, dân chủ, đúng quy định. Các xã đã thành lập tổ công tác chuyên trách, niêm yết công khai phương án sắp xếp tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, phát và thu phiếu, tổng hợp ý kiến khách quan, đồng thời tiếp thu, giải đáp kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân. Theo phản ánh, tại xã Dân Hòa, công tác lấy ý kiến được triển khai nghiêm túc và đạt kết quả khả quan. Ông Kiều Tô Hoài - Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa cho biết: “Qua đánh giá cho thấy, Nhân dân rất quan tâm, tích cực tham gia và bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.
![]() | Lấy ý kiến Nhân dân về khu phát triển thương mại và văn hóa |
![]() | Hà Nội: lấy ý kiến Nhân dân về 126 đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp |
Thái Phương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-dan-tin-tuong-dong-thuan-416485.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.