Gây ồn ào khu dân cư

Tuân thủ pháp luật và ứng xử văn minh để giữ tình làng nghĩa xóm

Trong nhịp sống đô thị ngày càng hiện đại và đông đúc, tiếng ồn từ các hoạt động giải trí như hát karaoke, mở nhạc to trong khu dân cư đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Không chỉ làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và tinh thần, hành vi này còn tiềm ẩn nguy cơ gây mâu thuẫn, thậm chí là án mạng nếu không được kiểm soát bằng quy định pháp luật và sự ứng xử văn minh.
Ảnh minh họa: M.N
Ảnh minh họa: M.N

Khi tiếng hát át tiếng nói chung của cộng đồng

Vào mỗi buổi tối sau giờ làm việc, ai cũng mong được nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh của ngôi nhà mình. Thế nhưng, với nhiều người sống tại các khu dân cư đông đúc, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, sự yên bình ấy lại bị phá vỡ bởi tiếng karaoke chát chúa hay nhạc sống vang lên từ những quán cafe, hàng quán hay chính nhà hàng xóm.

Anh Nguyễn Trường Vũ (sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ nỗi khổ chung của gia đình mình: “Khu tôi ở hầu như tối nào cũng có nhà hát karaoke, chưa kể có quán cafe ngay đối diện nhà, mỗi tuần tổ chức 1-2 buổi nhạc sống cực kỳ ồn ào. Nhiều hôm, quán hát đến hơn 11h đêm, người già trong nhà không ngủ được, trẻ con thì thức giấc, học hành cũng bị ảnh hưởng”. Anh cho biết, đã có lần phải sang tận nơi để yêu cầu dừng hát, nhưng tình hình sau đó vẫn không mấy cải thiện. “Nhắc thì họ cười trừ, bảo "vui tí mà anh", nhưng vui của họ lại là mệt mỏi của cả xóm” - anh Nguyễn Trường Vũ bức xúc.

Không chỉ gây phiền toái, việc gây tiếng ồn còn có thể dẫn đến những vụ việc nghiêm trọng. Đã có những trường hợp xô xát, thậm chí án mạng, xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiếng ồn.

Vào năm 2023, tại Đà Nẵng, một vụ án mạng đã xảy ra khi một người đàn ông không chịu nổi tiếng karaoke ồn ào từ nhà hàng xóm đã xảy ra cự cãi và dẫn đến hậu quả đau lòng. Điều này cho thấy, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách, vấn đề tiếng ồn còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.

Quy định của pháp luật về việc gây tiếng ồn trong khu dân cư?

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức phạt dựa trên mức độ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Cụ thể, nếu tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA, mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; từ 5 dBA đến dưới 10 dBA, phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; và nếu vượt trên 40 dBA, mức phạt có thể lên đến 160.000.000 đồng.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT về tiếng ồn thì đối với các khu vực thông thường, gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn (theo mức âm tương đương) cụ thể từ 6h đến 21h là 70 dBA, từ 21h đến 6h là 55 dBA. Theo đó, việc gây tiếng ồn vượt mức cho phép này sẽ bị xử phạt hành chính về tiếng ồn theo như quy định trên tùy mức độ vi phạm cụ thể.

Một số địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường xử lý các hành vi gây mất trật tự công cộng, trong đó có tình trạng hát karaoke di động, mở loa công suất lớn làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Tuy vậy, việc áp dụng các quy định này trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một phần vì lực lượng chức năng không thể có mặt kịp thời trong mọi tình huống. Và quan trọng hơn là để áp dụng được mức xử phạt đủ sức răn đe như quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP cần có thiết bị đo tiếng ồn chuyên dụng, nếu không có máy đo chuyên dụng thì mức phạt kịch khung cũng chỉ là 1.000.000 đồng theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn tâm lý nể nang, ngại va chạm, dẫn đến tình trạng “sống chung với lũ”.

Giữ sự yên tĩnh cho phố phường bằng sự tử tế

Không thể phủ nhận rằng, hát karaoke hay nghe nhạc là nhu cầu giải trí chính đáng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi hay người lao động cần thư giãn sau giờ làm việc. Tuy nhiên, nhu cầu giải trí ấy cần được đặt trong giới hạn của sự tôn trọng người khác và tuân thủ quy định pháp luật.

Thay vì bật loa công suất lớn, người dân có thể chọn giải pháp hát karaoke bằng các loại loa công suất nhỏ hơn phù hợp với không gian sống của mình hoặc sử dụng các thiết bị giảm âm. Nếu tổ chức sinh hoạt đông người, nên thông báo trước với hàng xóm và cam kết thời gian kết thúc rõ ràng. Những buổi liên hoan có thể được tổ chức vào cuối tuần và kết thúc trước 10h đêm để không ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt của người khác.

Về phía những người bị ảnh hưởng, việc góp ý cũng cần dựa trên tinh thần xây dựng và văn minh. Việc nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo, thậm chí mời hàng xóm sang nhà chơi để góp ý thay vì đối đầu, có thể khiến mối quan hệ xóm giềng thêm gần gũi, đồng thời, giúp cải thiện hành vi thiếu ý thức mà không làm mất lòng nhau. Trong trường hợp bất đắc dĩ, việc ghi âm, quay video làm bằng chứng để phản ánh tới tổ dân phố hoặc công an khu vực là biện pháp cuối cùng và cần được thực hiện đúng mực.

Giữ gìn sự yên tĩnh không chỉ là bảo vệ quyền lợi của mình, mà còn là biểu hiện của nếp sống văn hóa đô thị. Trong một xã hội ngày càng phát triển, sự văn minh không nằm ở những khẩu hiệu treo ngoài cổng làng mà thể hiện rõ qua cách mỗi người sống và cư xử với nhau trong không gian chung. “Tình làng nghĩa xóm” không phải là thứ xa xỉ, mà là điều hoàn toàn có thể giữ gìn nếu mỗi người biết lùi một bước vì người khác và vì chính mình.

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát và xử lý hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư. Theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22h đến 6h sáng hôm sau có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Phố phường nhếch nhác vì "siêu thị di động"
Xén vỉa hè để giảm ùn tắc: giải pháp tạm thời giúp tránh xung đột giao thông
Cần cái nhìn đúng luật và đúng mực

Minh Nhật

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.