Thứ tư 23/04/2025 10:32
Biển cấm tự chế, đỗ xe thiếu ý thức:

Cần cái nhìn đúng luật và đúng mực

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình trạng người dân tự ý đặt biển cấm dừng, đỗ xe trước cửa nhà và những tranh luận xung quanh việc đỗ xe thiếu ý thức đang ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn. Câu chuyện tưởng như nhỏ, cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc trên cả phương diện pháp lý lẫn văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Một ô tô đỗ chặn trước cửa nhà người dân. Ảnh: internet
Một ô tô đỗ chặn trước cửa nhà người dân. Ảnh: internet

Những tấm biển cấm "tự chế"

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô tại các đô thị lớn như Hà Nội, tình trạng thiếu hụt chỗ đỗ xe trở thành một bài toán nan giải. Trong bối cảnh đó, một hiện tượng đang diễn ra khá phổ biến nhưng lại rất phản cảm và trái pháp luật là việc người dân, hộ kinh doanh tự ý đặt biển cấm dừng, cấm đỗ trước cửa nhà mình, biến lòng đường, vỉa hè - vốn là tài sản công cộng - thành "lãnh địa riêng".

Tại nhiều tuyến phố, không khó để bắt gặp những tấm biển với nội dung: “Không đỗ xe trước cửa nhà”, “Khu vực công ty, đề nghị không đỗ ô tô”, “Đỗ xe khóa bánh”, “No parking”... Những tấm biển này được làm bằng đủ vật liệu từ inox, bê tông, bìa carton cho tới giấy A4 bọc túi nylon, đặt ngay dưới lòng đường, ven vỉa hè như một dạng “luật riêng” mà không một cơ quan chức năng nào cấp phép.

Hành vi này tưởng chừng vô hại, nhưng thực tế lại gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, nó thu hẹp diện tích lưu thông, tạo chướng ngại vật bất ngờ, nhất là vào ban đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng kém, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Thứ hai, việc chiếm dụng không gian công cộng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” gây ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị, thể hiện sự tùy tiện và thiếu ý thức công dân, khiến dư luận bất bình.

Về mặt pháp lý, theo quy định tại Điều 25 Luật Đường bộ 2024, Bộ Giao thông vận tải, UBND các cấp chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Điều này có nghĩa, chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quy định lắp biển báo hiệu giao thông cấm dừng, đỗ xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của họ. Như vậy, các biển cấm dừng, đỗ xe do người dân tự ý đặt sẽ không có giá trị pháp lý và người tham gia giao thông không cần phải tuân thủ biển báo hiệu này.

Đặc biệt, nếu hành vi tự ý đặt biển báo gây cản trở hoặc tai nạn giao thông, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc liên đới trách nhiệm dân sự, thậm chí hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 73 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017.

Song song với việc đặt biển, thời gian qua cũng xảy ra không ít trường hợp chủ nhà có những phản ứng tiêu cực, thậm chí bạo lực với những xe đỗ trước cửa mà họ không đồng tình. Một số vụ việc nổi cộm từng gây bức xúc trong dư luận như: ô tô bị tạt sơn, đổ nhớt, cào xước, xịt lốp, thậm chí bị dán giấy nhục mạ, chỉ vì đỗ “chắn cửa”.

Một tấm biển cấm tự chế của người dân. Ảnh: Duy Linh
Một tấm biển cấm tự chế của người dân. Ảnh: Duy Linh

Theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), những hành vi như cố ý làm hư hỏng tài sản, trong đó có phương tiện giao thông, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy mức độ thiệt hại. Nếu thiệt hại dưới 2 triệu đồng, vẫn có thể bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng theo điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Điều đáng nói, nhiều người vẫn giữ suy nghĩ rằng, “xe đỗ trước cửa nhà là chiếm đất của tôi”, trong khi thực tế phần vỉa hè và lòng đường không nằm trong quyền sở hữu của chủ nhà, mà thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Việc “phản ứng” bằng cách hủy hoại tài sản không chỉ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn có thể đẩy mâu thuẫn dân sự lên thành xung đột hình sự, gây bất ổn an ninh trật tự xã hội.

Đỗ xe thiếu ý thức – lối hành xử ích kỷ cần bị lên án

Ở chiều ngược lại, không thể phủ nhận rằng, vẫn còn một bộ phận tài xế đỗ xe thiếu ý thức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Thực tế, việc đỗ xe chắn ngay cửa ra vào, chặn lối đi, chiếm dụng vỉa hè trong nhiều giờ, thậm chí qua đêm mà không có bất kỳ lời xin phép hay số điện thoại liên hệ nào, đang khiến không ít hộ gia đình lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Điều này đặc biệt phổ biến tại những khu phố cũ, có diện tích hẹp, hoặc những tuyến phố có mặt tiền kinh doanh. Việc một chiếc ô tô án ngữ trước cửa hàng không chỉ khiến chủ nhà không thể đưa xe máy ra vào, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động buôn bán, tiếp đón khách, thậm chí làm xấu đi hình ảnh của một khu phố vốn sầm uất, năng động.

Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rõ: "trên đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình".

Còn trên đường phố, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ chỉ được dừng xe, đỗ xe sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Ô tô bị tạt sơn, vẽ bậy vì đỗ trước cửa nhà dân. Ảnh: internet
Ô tô bị tạt sơn, vẽ bậy vì đỗ trước cửa nhà dân. Ảnh: internet

Nếu đỗ trên đường hẹp, phải để cách xe đối diện tối thiểu 20m để không gây cản trở. Không đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào.

Có một thực tế, không có quy định nào cụ thể cấm đỗ xe trước cửa nhà dân, nếu vị trí đỗ không vi phạm quy định giao thông và không cản trở hoạt động hợp pháp của người khác. Do đó, rất nhiều tài xế dựa vào khoảng trống này để “vô tư” đỗ xe, bất chấp thái độ của chủ nhà.

Không gian đô thị là không gian chung của tất cả mọi người. Việc một số người tự ý chiếm dụng nó cho mục đích cá nhân, dù là bằng cách đặt biển cấm hay đỗ xe “vô tư” trước cửa nhà người khác, đều là hành vi cần bị lên án và xử lý nghiêm. Cả cơ quan quản lý và người dân, tài xế cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình để cùng xây dựng một môi trường sống trật tự, văn minh và tôn trọng lẫn nhau.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hành vi đỗ xe sai quy định có thể bị xử phạt từ 400.000 đồngđến 3.000.000 đồng tùy lỗi cụ thể.
Cảnh báo tai nạn giao thông do dừng, đỗ xe ven đường: những vấn đề pháp lý tài xế cần lưu tâm
Hà Nội: tai nạn giao thông tại giảm sâu trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Chụp ảnh trên đường gây cản trở giao thông, có thể bị xử phạt
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động