EU chi 500 triệu euro để trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà khoa học quốc tế

Ngày 5/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen chính thức công bố gói ưu đãi trị giá 500 triệu euro nhằm thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến châu Âu nghiên cứu và làm việc.
EU chi 500 triệu euro để trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà khoa học quốc tế
Châu Âu đã mở rộng chính sách và tăng cường đầu tư thu hút nhân tài trên thế giới.

Động thái này thể hiện quyết tâm của Liên minh châu Âu (EU) trong việc xây dựng một trung tâm khoa học toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Hội nghị “Chọn châu Âu vì khoa học” diễn ra ở Paris, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng khoa học không chỉ là kiến thức, mà là một khoản đầu tư chiến lược cho tương lai châu Âu. Với mục tiêu biến EU thành thỏi nam châm toàn cầu cho các nhà nghiên cứu, khối này sẽ triển khai khoản đầu tư trong giai đoạn 2025–2027 để tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các tài năng quốc tế.

Chủ tịch EC đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên nâng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên tối thiểu 3% GDP vào năm 2030, như một phần trong chiến lược tăng cường sức mạnh khoa học và đổi mới công nghệ của châu Âu. Bà von der Leyen cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, với các trường đại học đóng vai trò then chốt.

Điểm đáng chú ý là EU kỳ vọng có thể thu hút được các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ - những người đang ngày càng lo ngại trước chính sách nhập cư và cắt giảm ngân sách nghiên cứu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Việc nghi ngờ vai trò của khoa học là một sai lầm nghiêm trọng”, bà von der Leyen cảnh báo. Đồng thời khẳng định chỉ có khoa học mới nắm giữ chìa khóa cho tương lai bền vững và thịnh vượng của châu Âu.

Trước đó, vào tháng 4, Pháp cũng đã giới thiệu nền tảng “Chọn nước Pháp vì khoa học”, cho phép các tổ chức nghiên cứu và trường đại học xin tài trợ để tiếp nhận các nhà khoa học quốc tế. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn của EU nhằm tạo ra một hệ sinh thái khoa học năng động, gắn kết và hấp dẫn hơn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Anh triển khai mũi tiêm dưới da điều trị 15 loại ung thư Anh triển khai mũi tiêm dưới da điều trị 15 loại ung thư
Hơn 1.900 nhà khoa học Mỹ phản đối chính quyền của ông Donald Trump Hơn 1.900 nhà khoa học Mỹ phản đối chính quyền của ông Donald Trump

Vũ Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.