![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành nội dung làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Quy định rõ hơn về hóa chất nguy hiểm
Trước phiên thảo luận, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn giải thích từ ngữ đối với khái niệm “hóa chất nguy hiểm”; cần nêu rõ hơn về nồng độ, công năng sử dụng của hóa chất để làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, tránh trường hợp lợi dụng quy định để trục lợi, gây nguy hiểm cho xã hội.
Tiếp thu ý kiến, Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý để làm rõ hơn khái niệm theo hướng: “hóa chất nguy hiểm là hóa chất gây hại cho sức khỏe của con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại của Bộ Công Thương”. Theo đó, các nội dung cụ thể liên quan đến “hóa chất nguy hiểm” sẽ được Bộ Công Thương cân nhắc quy định tại các văn bản dưới luật.
Cạnh đó, có ý kiến cho rằng dự thảo chưa thể hiện được nội dung liên quan đến kinh doanh các chất độc như xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy... có thể gây chết người; đề nghị bổ sung quy định về việc quản lý đối với các loại hóa chất này.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Dự thảo luật, các chất độc như xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy là hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, do đó, chủ thể kinh doanh các hóa chất này phải tuân thủ các quy định kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát, đồng thời cần có sự cho phép, theo dõi, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Những hành vi này được quy định tại khoản 1 Điều 3 là hành vi “kinh doanh trái pháp luật về hóa chất”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Luật Hóa chất (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Cũng theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, Dự thảo luật đã có một số quy định nhằm thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” tại Kết luận số 36-KL/TW như: Quy định về quản lý hoạt động hóa chất; quy định khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, tồn trữ hóa chất tới khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt. Các quy định nêu trên nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của hóa chất tới nguồn nước.
Dự thảo cũng có các quy định thể chế hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” như áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị.
Để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Dự thảo Luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, hóa dược, phân bón, dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất… để hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn…
Phải rõ điều kiện được mua, sử dụng chất xyanua
Phát biểu trên hội trường về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) đề cập quy định về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm hóa chất nguy hiểm và đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất; bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
![]() |
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm… vì các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn còn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm.
Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ mặc dù đã có những quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Trong Nghị định này không có quy định về xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý… Đồng thời, các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.
“Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường và trên thực tế trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất” - đại biểu Trần Khánh Thu nói. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và thống nhất quy định trong nghị định rõ các nhóm hóa chất theo đúng như Dự thảo Luật đang xây dựng.
Đại biểu thông tin thêm, ở nhiều quốc gia, danh mục xyanua được phân cấp quản lý phù hợp theo mức độ nguy hiểm, mục đích sử dụng từng loại; vì xyanua có các dạng khác nhau và sử dụng trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong y tế. Do đó, đề nghị bổ sung quy định, doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro.
Về những hành vi bị nghiêm cấm, Dự thảo Luật đã cấm các hành vi như: sản xuất, kinh doanh trái phép hóa chất; sửa chữa, làm giả giấy phép; cung cấp thông tin sai lệch; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc... Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm; nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ... diễn ra rất phổ biến. "Các hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng, nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm" - đại biểu nói.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn tỉnh Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”. Đồng thời, nên có quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật, đó là hành vi sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Vấn đề này đã diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị thường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định” tại khoản 5 Điều 25 Dự thảo Luật.
Cùng với đó, quy định rõ về việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành liên quan (như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Yêu cầu bắt buộc các cơ sở vận chuyển, tồn trữ hóa chất tại các cảng biển, vùng ven biển, nhà máy lọc hóa dầu ven biển phải xây dựng phương án ứng phó sự cố hóa chất trên biển chặt chẽ hơn; có cơ chế bồi thường, khắc phục hậu quả khi sự cố xảy ra, phục hồi môi trường biển; cơ chế phối hợp, huy động lực lượng, trang thiết bị chuyên dụng trong trường hợp sự cố xảy ra.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 8/5. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) như đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến đã góp ý thêm về một số nội dung như, cần định hướng quan điểm tiếp cận đối với chiến lược công nghiệp hóa chất; nguyên tắc áp dụng hóa học xanh, hóa chất xanh, điều chỉnh phù hợp giữa định tính và định lượng, giữa bắt buộc và khuyến khích kèm theo cơ chế, chính sách hỗ trợ; các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý an toàn hóa chất; cập nhật nội dung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất; ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hóa chất trọng điểm, hóa chất mới, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; vấn đề về phân cấp, ủy quyền...
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến là cơ sở để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Cùng với đó, đề nghị, cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
Nguyễn Vũ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-nghi-lam-ro-hon-khai-niem-hoa-chat-nguy-hiem-418117.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.