Hòa giải viên chia sẻ bí quyết hòa giải ở cơ sở

Tham gia công tác hòa giải cơ từ năm 2003 đến nay, bà Ngô Thị Sáp, hòa giải viên Tổ hòa giải tổ dân phố số 2, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cùng tổ hòa giải, hòa giải thành nhiều vụ việc, giữ gìn hạnh phúc cho nhiều gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Hòa giải viên chia sẻ bí quyết hòa giải ở cơ sở
Bà Ngô Thị Sáp cùng tổ hòa giải họp bàn chuẩn bị cho buổi hòa giải tại nhà văn hóa tổ dân phố. Ảnh nhân vật cung cấp

Chia sẻ về công tác hòa giải cơ sở, bà Ngô Thị Sáp cho biết, hoà giải viên ở cơ sở là những người “ăn cơm nhà lo chuyện người” ẩn chứa nhiều tình huống bi hài, cười ra nước mắt… Bà Sáp nhớ lại vụ việc vợ chồng nhà chị H mâu thuẫn gay gắt, người chồng thường xuyên say rượu, mắng chửi vợ con, gây mất an ninh trật tự. Tổ hòa giải tổ dân phố số 2 đã đến gia đình chị H để thuyết phục thì bị người chồng thả chó dữ ra xua đuổi. Song, tổ hòa giải vẫn kiên trì tìm đến nhiều lần để chia sẻ, phân tích cái lý cái tình cho vợ chồng chị H hiểu để cùng vun đắp hạnh phúc. Nhờ sự nhiệt tình, tận tâm của tổ hòa giải mà cuối cùng vụ việc được hòa giải thành công, giúp vợ chồng họ trở lại cảnh nhà yên ấm.

Một vụ việc khác là mâu thuẫn vì mái tôn che mưa giữa nhà bà A và nhà ông B. Nhà bà A làm thêm mái tôn che mưa nhưng không làm máng thoát nước nên cứ mỗi trận mưa rào là nước mưa chảy xuống và ngấm vào tường nhà ông B. Hai bên đã xảy ra mâu thuẫn. Tổ hòa giải đã mời 2 gia đình ra nhà văn hóa tổ dân phố để tiến hành hòa giải. Tại buổi hòa giải, các hòa giải viên đã phân tích các quy định của Bộ Luật dân sự liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa… Đồng thời, chia sẻ về tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”… Bà A nên làm máng thoát nước để đỡ gây tiếng động lớn khi lượng nước mưa rơi xuống nền sân và cũng thuận tiện cho việc đi lại của gia đình bà A, mà đỡ gây thiệt hại đến nhà ông B, vẹn cả đôi dường… Những lời phân tích, chia sẻ của tổ hòa giải, các bên nhận ra những cái sai của mình nên đồng ý hòa giải, bắt tay vui vẻ. Những ngày mưa sau đó, ông B không còn bực mình, bà A cũng không còn ngấm nguýt, không ai bực tức với nhau nữa, hàng xóm vui vẻ thuận hoà.

Bà Sáp chia sẻ, để hòa giải một vụ việc có kết quả tốt, trước tiên cần phải nắm chắc địa bàn, hộ dân cư, nghề nghiệp, tính tình của người cần hòa giải. Ngoài uy tín cá nhân thì hòa giải viên phải chịu khó, nhiệt tình và có trách nhiệm. Làm bằng cái tâm, cái tình và phải hiểu biết cơ bản về các quy định pháp luật liên quan đến việc hòa giải như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường…

Trước khi hòa giải phải, hòa giải viên cần chủ động, tích cực tìm hiểu về nội dung vụ việc, thu thập thông tin, chứng cứ, nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, tác động của mâu thuẫn tiếp đến là tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến vụ việc hòa giải

Trong quá trình hòa giải, tổ hòa giải cần vận dụng pháp luật kết hợp tình cảm để phân tích, thuyết phục các bên, thảo luận với nhau để tìm ra các điều khoản thích hợp áp dụng cho vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Đối chiếu quy định pháp luật với lợi ích, mong muốn của các bên để dự kiến giải pháp tốt nhất, có thể gợi ý cho các bên về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp các bên đang xung đột gay gắt, căng thẳng, hòa giải viên cần can thiệp kịp thời, khuyên giải các bên bình tĩnh, cùng đối thoại, không để “việc bé xé ra to”, tránh kéo dài tình trạng cãi cọ qua lại, bàn tán, xúi giục, kích động, dẫn đến hành vi bạo lực. Kết thúc hòa giải, cùng nhau đưa ra phương án giải quyết, thực hiện và phân công hòa giải viên theo dõi, đôn đốc các bên thực hiện đúng các thỏa thuận đã đạt được.

Nhờ những bí quyết, kỹ năng hòa giải đúc rút được sau nhiều năm tham gia hòa giải ở cơ sở mà bà Sáp cùng thành viên Tổ hòa giải tổ dân phố số 2 đã góp phần giữ bình yên cho cộng đồng dân cư.

Kỳ cuối: Hòa giải ở cơ sở giữ đoàn kết nội bộ Nhân dân Kỳ cuối: Hòa giải ở cơ sở giữ đoàn kết nội bộ Nhân dân

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát ...

Bí thư chi bộ tâm huyết với công tác hòa giải Bí thư chi bộ tâm huyết với công tác hòa giải

"Là một cán bộ gương mẫu, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, luôn có ...

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.