![]() |
Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Bộ Tư pháp, Thành ủy, UBND TP Hà Nội. |
Có thể khẳng định chất lượng, tổ chức, hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn TP đang ngày càng phát huy hiệu quả, huy động được sự tham gia của các ban ngành, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, góp phần hóa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Ngày càng chất lượng, hiệu quả
Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có hơn 5.000 tổ hòa giải với hơn 33.000 hòa giải viên; tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm đạt trên 85%. Trong năm 2024, toàn TP tiếp nhận tổng số 2.456 vụ việc hòa giải, đã tiến hành hòa giải thành 2.153 vụ việc, đạt tỷ lệ 89.26%.
TP có nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương. Đến nay, toàn TP có 4.053 “Tổ hoà giải 5 tốt”.
Hòa giải ở cơ sở gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên về số lượng, đảm bảo về chất lượng.
Hoạt động quản lý Nhà nước về hòa giải tiếp tục được TP chú trọng, chỉ đạo triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả giúp tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ trong Nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.
![]() |
Hằng năm, thành phố thực hiện việc cấp phát Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội của Báo Kinh tế & Đô thị miễn phí cho các tổ hòa giải cơ sở. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền TP trong công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được UBND các cấp trên địa bàn TP quan tâm và đầu tư hơn.
Là một trong những đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành hàng năm cao, UBND quận Bắc Từ Liêm đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của TP trong triển khai công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn quận. Năm 2024, quận phát sinh 60 vụ việc, đã hòa giải thành 57 vụ, hòa giải không thành 2 vụ, đang hòa giải 1 vụ. Tỉ lệ hòa giải thành đạt 95%.
Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm Hoàng Thị Thủy cho biết, để thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, hàng năm quận đều có kế hoạch chi tiết, chỉ đạo UBND các phường triển khai thực hiện. Các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn theo quy định. Đội ngũ hòa giải viên của quận được xây dựng từ nguồn tuyên truyền viên pháp luật, đều là những người nhiệt tình, tâm huyết, am hiểu pháp luật.
![]() |
Cùng với đó, quận chú trong việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên thông qua tập huấn, hội nghị. Để đảm bảo cho các tổ hòa giải trên địa bàn quận nhận được đầy đủ Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội, UBND quận đã yêu cầu UBND các phường theo dõi việc cấp phát ấn phẩm tới các tổ hòa giải trên địa bàn. Đồng thời, giao phòng Tư pháp kịp thời tổng hợp phản ánh của UBND các phường gửi Sở Tư pháp TP Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị.
Trao đổi với phóng viên về công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Dương Văn Thay cho hay: “Xác định vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, Đảng ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ huyện rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý Nhà nước tại địa phương, đảm bảo văn minh đô thị, trật tự an an toàn xã hội, phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân. Vì thế, huyện tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở…”.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung chia sẻ, hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn quận đã đi vào nề nếp, thống nhất, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước, đã hỗ trợ một phần không nhỏ cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc từ khi mới hình thành, tránh phát sinh thành điểm nóng và trở thành khiếu nại, tố cáo trong Nhân dân.
Quận Cầu Giấy sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là nhận thức của người đứng đầu đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò của UBMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”…
Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết cho biết, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước được nâng cao về chất lượng. Năm 2024, huyện tiếp nhận 101 vụ hòa giải, đã hòa giải thành 96 vụ, đạt tỷ lệ 95,1 %.
Kết quả thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm trong việc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở bảo đảm kịp thời, đúng quy định. 100% tổ hòa giải trên địa bàn huyện được phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội theo chương trình của UBND TP.
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương khẳng định: “Công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã đi vào nề nếp, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, UBMTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị- xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả”.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết: “Trong công tác hòa giải, ban thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp có sự phối hợp rất chặt chẽ với ngành Tư pháp. Hàng năm, chúng tôi có tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL TP các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan công tác hòa giải cơ sở. Cùng phối hợp tổ chức kiểm tra các hoạt động của công tác hòa giải cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tổng kết đánh giá các mô hình, cách làm hay từ cơ sở liên quan công tác hòa giải. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư”.
Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở vững về kiến thức, giỏi về chuyên môn đáp ứng được nhu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay, bà Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh, Sở Tư pháp TP Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền quán triệt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở.
Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy chính quyền nhằm góp phần tích cực trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng, trong khu dân cư. Sở Tư pháp đã tham mưu TP ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng cho đội ngũ hòa giải viên giỏi ở cơ sở” và tham mưu TP sửa đổi Nghị quyết của HĐND TP quy định về mức chi cho các tổ hòa giải, chi hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ hòa giải viên.
Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải trong đội ngũ công chức thực hiện quản lý Nhà nước về hòa giải và các hòa giải viên ở cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, qua các cơ quan báo chí của TP. Bên cạnh đó, duy trì việc cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật & Xã hội đến 100% tổ hòa giải.
Nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” gắn với xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả ở cơ sở và các phong trào, các cuộc vận động trong cộng đồng dân cư, gắn chặt với mọi hoạt động chính trị tại địa phương. Huy động mọi nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó chú trọng, huy động, khuyến khích các luật gia, luật sư, hỗ trợ tư vấn tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên.
Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào dân vận khéo, phong trào xây dựng nông thôn mới và chuẩn tiếp cận pháp luật. Kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân tổ chức có thành tích suất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.
![]() |
|
Thực hiện: Lê Mận Trình bày: Cao Kỳ |