![]() |
Không có gì có thể chia rẽ một dân tộc có truyền thống đại đoàn kết để trường tồn và phát triển. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
LTS: “Núp bóng” dưới dạng các bình luận (comment) kiểu “Bắc Kỳ, Nam Kỳ…”, trào lưu phân biệt vùng miền trên nền nảng mạng xã hội này không thể xem nhẹ. Bởi ẩn náu trong đó là những âm mưu diễn biến hòa bình để ngấm ngầm tạo dựng sự “phân biệt” trong các nhóm cộng đồng. Sự chia rẽ núp bóng”mạng xã hội” nguy hiểm hơn những gì nó thể hiện qua vài con chữ.
Hệ lụy của chia rẽ trên mạng xã hội
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
Hiện nay, phần lớn người dùng mạng xã hội của Việt Nam sử dụng các nền tảng mạng như: Facebook, Instagram, tiktok, zalo, youtube, twitter… Trừ Zalo là mạng xã hội được cung cấp bởi công ty trong nước - Công ty cổ phần VNG, các nền tảng còn lại được sáng lập, điều hành bởi các công ty nước ngoài, đặt máy chủ tại nước ngoài. Nói thế để thấy rằng, việc đa quốc gia và vận hành bởi các công ty quốc tế như vậy, sẽ khó kiểm soát các nội dung trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Báo cáo của Vnetwwork - một đơn vị cung cấp các giải pháp hạ tầng, truyền tải và bảo mật an ninh mạng hàng đầu tại Việt Nam và châu Á, cho thấy, tại Việt Nam, số lượng người dùng các nền tảng mạng xã hội tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Tính đến năm 2024, số lượng người sử dụng internet ở nước ta đạt mốc 78,44 triệu người, Việt Nam là quốc gia trong nhóm đứng đầu thế giới về số người sử dụng mạng xã hội với 72,70 triệu người.
Trên tiktok, các video được cắt gắn gọn, từ 10 giây đến khoảng vài phút, vì hạn chế số từ comment nên thông tin đưa trên nền tảng này có hiện tượng bị cắt ghép, không đầy đủ, chữ nghĩa sai dẫn đến thông tin sai. Ai cũng có thể tải lên thông tin từ đây, nên đã có nhiều trường hợp thông tin trên tiktok và các nền tảng mạng xã hội sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Lợi dụng những đặc điểm đó, các nhóm ẩn náu trên mạng đưa những thông tin, những phát ngôn gây tranh cãi, chia rẽ trên mạng xã hội để kích động người sử dụng chia rẽ, phân biệt, khẩu chiến trên mạng xã hội với nhau. Thực tế, việc này không dừng lại ở những comment vui nữa, chữ nghĩa trên mạng “ảo” đã ảnh hưởng đến cảm xúc thật, khiến cho nhiều người dùng mạng thực sự bị đẩy vào hệ lụy của sự phân biệt vùng – miền, phân biệt văn hóa, con người của các địa phương, từ đó kích động sự chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Rất dễ thấy các video được up trên mạng xã hội về hành vi giao thông, về hành vi lễ hội, hoặc các hành vi bình thường của các nội dung đời sống khác đều bị đưa vào những comment kiểu như: “parky” (ý nói Bắc Kỳ) hoặc “chỉ có Nam Kỳ” mới vậy... Những commnet tưởng chừng vô hại, vui, thực tế đang bao chứa trong đó những nội dung chia rẽ sâu sắc.
Đặc biệt, những ngày qua, khi đất nước vừa trải qua các hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đết nước (30/4/1975 - 30/4/2025), các thế lực thù địch đã tranh thủ sự khó kiểm soát, nở rộ của mạng xã hội đưa ra hàng loạt video có nội dung sai lệch như: xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền; xuyên tạc “Tháng Tư đen” và chúng gọi ngày 30/4 là ngày “quốc hận”. Không dừng lại ở đó, những thông tin thích cực như người dân cổ vũ, chào đón những đoàn diễu binh diễu hành cũng bị chúng cắt ghép thành các thông tin sai lệch, kỳ thị vùng miền, phân biệt với phụ nữ, bôi xấu văn hóa con người Việt Nam.
Sự dịch chuyển của các thế lực thù địch sang môi trường mạng
Tại sao các thế lực thù địch, âm mưu chia rẽ lại đang “dịch chuyển” tầm hoạt động sang môi trường mạng nhiều hơn. Điều này có thể giải thích bằng các nguyên nhân như: trước tiên “diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự.
Vì vậy, với tính chất đặc biệt của mạng internet là dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn… Tất cả những yếu tố đó khiến các thế lực diễn biến hòa bình chuyển địa bàn hoạt động sang môi trường mạng.
![]() |
Một tài khoản tiktok đăng tải các nội dung chia rẽ vùng miền. Ảnh chụp màn hình |
Ở Việt Nam, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng việc phá hoại tư tưởng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các đặc trưng chủ yếu như: tuyên truyền xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc lịch sử; thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và công an… thời gian gần đây, các thế lực thù địch còn tích cực đẩy mạnh thực hiện một số thủ đoạn chống phá mới, đó là: tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra những luận điệu lập lờ, lẫn lộn giữa hai mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đến đảng viên và Nhân dân. Khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội “dân chủ” kiểu Mỹ và phương Tây hòng làm cho người dân thấy hoài nghi về “xã hội Việt Nam” và mơ tưởng về một “xã hội khác” được cổ xúy là tốt đẹp hơn.
Báo cáo của nhiều công ty nghiên cứu về môi trường mạng xã hội chỉ ra rằng: người dùng đa phần là những người trẻ, còn yếu về kiến thức pháp luật lẫn tư tưởng, lập trường chính trị. Dễ bị cổ xúy bởi các xu hướng (trend), bị cuốn theo các trào lưu, với ý nghĩ rằng đó là trào lưu vui, nhưng không nhận biết được những “âm mưu ẩn náu” sau những trend đó. Người dùng mạng xã hội cũng có cả nhóm người già, phụ nữ, một bộ phận trẻ chưa thành niên – được cho là nhóm có nguy cơ bị tấn công mạng mạnh mẽ hơn.
Các thế lực thù địch điều chỉnh thủ đoạn chống phá, bằng cách ngoài việc công kích trực diện vào nền tảng tư tưởng, chúng tuyên truyền kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ. Với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc là thanh trừng nội bộ. Chúng còn thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự,...
Và cuộc chiến chống lại âm mưu chia rẽ trên môi trường mạng, là một cuộc chiến mới, với tính chất phức tạp, cần nhiều biện pháp, cần nhiều nỗ lực từ hệ thống chính trị các cấp, từ các cơ quan chuyên môn, đến từng người dùng mạng. Nếu chúng ta chủ quan với các xu hướng từ mạng xã hội, trong cuộc chiến chống lại tư tưởng chia rẽ khối đại đoàn kết này, chúng ta sẽ gặp bất lợi.
(Còn nữa)
Lễ hội hát Chèo tàu Tổng Gối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Thái Phương - Xuân Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-1-am-muu-pha-hoai-khoi-dai-doan-ket-bang-nhung-kich-dong-phan-biet-vung-mien-418881.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.