Lễ hội hát Chèo tàu Tổng Gối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Lễ hội truyền thống hát Chèo tàu Tổng Gối, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo. |
Lễ hội hát Chèo tàu có nguồn gốc từ vùng Tổng Gối xưa, nay thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Tổng Gối bao gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long – là những địa danh đã gắn bó mật thiết với sự ra đời và phát triển của lễ hội này. Theo truyền thuyết, tướng Văn Dĩ Thành – một vị anh hùng dân tộc thời nhà Trần – chính là người con ưu tú của vùng đất này. Ông nổi tiếng là người học rộng tài cao, am hiểu binh pháp và có lòng yêu nước sâu sắc. Trong thời kỳ giặc Minh xâm lược, ông đã chiêu mộ binh sĩ, rèn luyện quân đội và lãnh đạo Nhân dân đứng lên kháng chiến. Với tài thao lược, ông chỉ huy quân đội lập được nhiều chiến công hiển hách. Dù cuối cùng hy sinh trên chính mảnh đất quê hương, tên tuổi và công lao của ông vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân Tổng Gối.
Để tưởng nhớ và tri ân vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã sáng tạo ra một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo có tên gọi là Chèo tàu. Lễ hội hát Chèo tàu được tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng hàng năm và trở thành một sự kiện văn hóa truyền thống quan trọng của địa phương. Điểm đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với hình ảnh hai chiếc thuyền rồng bằng gỗ – không chèo dưới nước mà biểu diễn trên cạn – tượng trưng cho hai tàu giao tranh hoặc đối đáp. Mỗi tàu gồm 13 người: bà chúa tàu, hai cái tàu và mười con tàu. Trong đó, bà chúa tàu giữ vai trò chỉ huy, đánh thanh la làm hiệu lệnh, hai cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Sau đoàn tàu là hình ảnh đôi voi cùng hai quản tượng thổi tù và tạo hiệu ứng âm thanh sinh động, tăng phần trang nghiêm và huyền bí cho buổi diễn xướng.
Hát Chèo tàu là sự kết hợp giữa nghệ thuật hát dân gian và biểu diễn tập thể, thể hiện sự hòa hợp, gắn kết cộng đồng. Nội dung các bài hát thường ca ngợi công lao của tướng Văn Dĩ Thành, nêu cao tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và niềm tin vào chính nghĩa. Chèo tàu Tân Hội gồm khoảng 20 làn điệu cổ, được chia thành ba hình thức chính: hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Mỗi làn điệu có nét nhạc riêng, mang phong vị truyền thống và đậm chất vùng quê Bắc Bộ.
Việc Lễ hội truyền thống hát Chèo tàu Tổng Gối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ góp phần bảo tồn giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, mà còn mở ra cơ hội để phát triển du lịch văn hóa, giáo dục lòng yêu nước và nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc cho thế hệ trẻ.
![]() | Hội diều làng Bá Dương Nội: từ cánh diều làng đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
![]() | Lễ hội chùa Thầy 2025: tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống xứ Đoài |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại