Nghệ sĩ, KOL tham gia quảng cáo

Càng nổi tiếng càng phải cẩn trọng

Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, nơi mỗi cú nhấp chuột có thể lan tỏa đến hàng triệu người, những gương mặt quen thuộc, từ hoa hậu, nghệ sĩ đến các "ngôi sao mạng", không chỉ là biểu tượng phong cách, mà còn trở thành “đại sứ thương hiệu” đầy quyền lực. Nhưng chính quyền lực ấy, nếu thiếu đạo đức và trách nhiệm, lại có thể trở thành con dao hai lưỡi, làm tổn thương niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng.
Thị trường tiếp thị bằng người nổi tiếng và KOL (người có ảnh hưởng) đang bùng nổ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: AI
Thị trường tiếp thị bằng người nổi tiếng và KOL (người có ảnh hưởng) đang bùng nổ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: AI

Kẽ hở lớn cho những quảng cáo thổi phồng

Thị trường tiếp thị bằng người nổi tiếng và KOL (người có ảnh hưởng) đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo báo cáo của Statista Market Insights năm 2024, có hơn 1.100 người ảnh hưởng tại Việt Nam sở hữu trên 1 triệu người theo dõi, và hơn 32.000 người khác có lượng người theo dõi dưới 100.000 – một con số khổng lồ cho thấy sức hút và độ phủ rộng khắp của họ. Thống kê từ REVU cũng cho thấy 97% DN tại Việt Nam đánh giá marketing qua KOLs là một chiến lược hiệu quả, vượt xa mức trung bình toàn cầu (84,8%). Không thể phủ nhận rằng, quảng cáo qua người nổi tiếng góp phần quan trọng giúp sản phẩm “lên ngôi” chỉ trong vài phút quảng bá. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để những nội dung sai lệch, thổi phồng công dụng sản phẩm nảy sinh và phát tán với tốc độ chóng mặt.

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật khiến dư luận không khỏi giật mình. Các gương mặt nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị xử phạt 70 triệu đồng vì quảng bá không đúng sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera trong các buổi livestream. Không dừng lại ở mức phạt hành chính, Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến sản phẩm thực phẩm giả do hai công ty đứng sau, kéo theo hàng loạt cá nhân bị khởi tố, trong đó có cả Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên – một biểu tượng sắc đẹp từng được ngưỡng mộ.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ đình đám như Quyền Linh, Hồng Vân, Nam Thư… cũng từng lên tiếng xin lỗi công chúng vì vô tình tiếp tay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai công dụng. Những trường hợp này cho thấy, không ít người nổi tiếng đã lợi dụng niềm tin của công chúng để trục lợi, hoặc chính họ cũng không biết mình đang tiếp tay cho hành vi gian dối.

Theo quy định hiện hành, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm ăn kiêng đặc biệt bắt buộc phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với nhóm thực phẩm bổ sung, DN lại được phép “tự công bố” và tự chịu trách nhiệm, tạo ra kẽ hở lớn cho những quảng cáo thổi phồng, dẫn dắt sai lệch. Đáng lo ngại hơn, nhiều nghệ sĩ, KOL thậm chí không cần tìm hiểu rõ sản phẩm trước khi quảng bá – một sự dễ dãi có thể gây hại khôn lường. Như Đại tá Trần Quốc Cường, Trưởng phòng Điều tra Bộ Công an nhận định: “Vụ việc vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người nổi tiếng đang hoạt động trên không gian mạng.”

Siết chặt quản lý và nâng chế tài xử phạt

Trước thực trạng đáng báo động này, việc siết chặt quản lý và nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là điều cấp thiết. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện đang được chỉnh lý, dự kiến trình Quốc hội trong tháng 5/2025, với nhiều điểm mới mang tính đột phá.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, luật sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm (duyệt trước nội dung quảng cáo) sang hậu kiểm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người truyền tải thông điệp quảng cáo, bao gồm cả KOL, KOC và nghệ sĩ nổi tiếng. Dự thảo luật cũng đề xuất mức xử phạt tối đa lên đến 400 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm – con số được đánh giá là còn “nhẹ tay” nếu so với lợi nhuận thu về từ các hợp đồng quảng cáo sai sự thật. Vì vậy, đề xuất tăng mức xử phạt và bổ sung hình thức như đình chỉ hoạt động, tịch thu tài sản, cấm quảng cáo hoặc hạn chế xuất hiện trên phương tiện truyền thông đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.

Quảng cáo không đơn thuần là bán sản phẩm, đó là một cam kết. Khi người nổi tiếng lựa chọn giới thiệu một sản phẩm, họ đang đặt cả uy tín cá nhân vào tay DN. Một khi uy tín bị hoen ố, không chỉ cá nhân gánh hậu quả, mà cả cộng đồng có thể bị tổn thương vì niềm tin bị phản bội. Vì vậy, bên cạnh hành lang pháp lý, điều quan trọng hơn cả là bản lĩnh đạo đức của người nổi tiếng. Họ cần tự trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm và đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên lợi ích cá nhân. Về phía cơ quan quản lý, ngoài việc hoàn thiện luật, cần có các cơ chế giám sát hiệu quả, chủ động phát hiện và xử lý vi phạm, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Niềm tin của người tiêu dùng không phải là thứ có thể mượn tạm hay lạm dụng. Đó là thành quả của cả quá trình xây dựng uy tín, đạo đức nghề nghiệp và sự minh bạch. Khi người nổi tiếng trở thành công cụ quảng cáo sai lệch, họ không chỉ làm tổn hại đến chính mình, mà còn góp phần phá vỡ nền tảng đạo đức xã hội. Đã đến lúc mỗi gương mặt đại diện, dù là hoa hậu hay nghệ sĩ cần hiểu rằng: trong thế giới phẳng, nơi sự thật và giả dối chỉ cách nhau một cú nhấp chuột, thì chữ “tín” chính là giá trị đắt giá nhất mà họ cần gìn giữ.

Các cơ quan báo chí tăng cường công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân để mọi người đều có khả năng đánh giá thật/giả về nội dung quảng cáo; đồng thời nâng cao nhận thức của người nổi tiếng, người tham gia hoạt động nghệ thuật để họ hiểu việc tham gia quảng cáo có khả năng phải đánh đổi uy tín, sự yêu mến của công chúng mà rất khó mới có thể xây dựng được.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình

Sức khỏe của chúng ta quan trọng hơn bất kỳ lời hứa hẹn nào từ TikToker
Vụ livestream ồn ào của ViruSs: có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Người nổi tiếng - trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp trong quảng cáo

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.