Vụ livestream ồn ào của ViruSs: có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Những livestream nhảm nhí liệu có đang ''đầu độc'' công chúng. Ảnh chụp màn hình |
Lớp vỏ drama tình ái đầy kịch tính
Vừa qua, trên mạng xảy ra ồn ào tình cảm giữa streamer ViruSs, Pháo và các nghệ sĩ khác. Hai bên thực hiện các phiên livestream bóc phốt nhau trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người tham gia.
Trước đó, streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và những người liên quan như rapper Pháo, hot girl Ngọc Kem, ca sĩ Emma Nhất Khanh gây xôn xao khi livestream làm rõ chuyện tình ái, kéo dài ồn ào cá nhân trong thời gian qua. Đỉnh điểm là buổi livestream đối chất thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem vào tối 28/3.
ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận. Mức phí đăng ký để tham gia bình luận trong livestream trên tiktok dao động từ 135.000 - 155.000 đồng/tháng. Trong phiên live, nam streamer nhận được rất nhiều quà ủng hộ từ người xem, một số món quà có giá lên tới hàng triệu đồng. Ngày 29/3, cả Ngọc Kem và ViruSs đã lên tiếng xin lỗi, muốn khép lại ồn ào.
Liên quan đến vụ việc này, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã có những phản hồi trong buổi gặp gỡ báo chí tại buổi họp định kỳ chiều ngày 3/4. Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: "Vụ việc nêu trên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh, cụ thể là giao nhiệm vụ này cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Vì vậy, về phân cấp thẩm quyền xử lý đối với vụ việc này, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên (nếu có)".
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc phát tán thông tin đời tư lên mạng xã hội có thể vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, Luật An ninh mạng 2018 cũng quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Ngoài ra, Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm các hành vi nêu trên.
Trường hợp, các bên liên quan phát tán thông tin cá nhân hoặc sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, họ có thể bị xử lý hành chính với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng (theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP), hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Vu khống”, với khung hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 3 năm tù.
Chặn thông tin xấu độc tràn lan trên internet
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, bên cạnh hành vi phát tán thông tin đời tư lên mạng xã hội, trong vụ việc này còn có hành vi livestream công khai tố cáo lẫn nhau. Bởi vậy, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý người vi phạm theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng nếu nội dung livestream mang tính chất xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân; tiết lộ thông tin riêng tư trái phép; gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Mức phạt đối với hành vi này có thể lên đến 50 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Song song với đó, chế tài xử phạt đối với hành vi bôi nhọ, công kích người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 5 - 30 triệu đồng theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Biện pháp khắc phục là buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vu khống”.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, sự kiện livestream của ViruSs có thể có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động livestream và nội dung trên mạng xã hội. Cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như giấy phép của nền tảng, nội dung phát sóng và việc tuân thủ quy định xác thực tài khoản để xác định mức độ vi phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Cũng theo luật sư Đinh Thị Nguyên, không dừng lại ở khía cạnh pháp lý, nội dung buổi phát sóng còn tiềm ẩn vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động. “Việc công khai đời sống tình cảm để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream với hàng triệu người theo dõi không chỉ phản văn hóa mà còn góp phần định hình hành vi ứng xử lệch lạc trên mạng xã hội cũng như tư duy lệch chuẩn về việc làm gì để được quan tâm và nổi tiếng” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật khi thực hiện livestream, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, người dùng mạng xã hội (kể cả mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới) phải xác thực tài khoản. Người livestream cần đảm bảo nội dung không vi phạm pháp luật như: không chia sẻ thông tin sai sự thật; không xâm phạm quyền lợi cá nhân; không vi phạm các đạo đức xã hội; không khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật... Nói chung là tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
“Đã đến lúc cần mạnh tay với các chiêu trò truyền thông “bẩn”, bảo vệ không gian mạng lành mạnh và giữ gìn những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Một nền giải trí phát triển không thể dựa trên những chiêu trò giật gân mà phải đặt nền tảng trên sự trung thực, sáng tạo và tôn trọng khán giả” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Theo quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng có chỉ rõ các hành vi bị cấm trên không gian mạng gồm: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Khoản 3 Điều 16, Luật An ninh mạng quy định về “Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống" bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... |
Livestream trên facebook nói xấu người khác, 2 phụ nữ bị khởi tố | |
Kỳ 1: Kiếm tiền bất chấp từ lùm xùm tình ái |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại