Trưởng thôn có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là kênh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; cùng nhau xây dựng xóm làng, khu phố ngày càng phát triển trên tinh thần thượng tôn pháp luật…
Hòa giải viên Nguyễn Văn Quỳnh là Trưởng thôn có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải cơ sở.
Hòa giải viên Nguyễn Văn Quỳnh là Trưởng thôn có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải cơ sở.

Và để làm được điều đó, cán bộ địa phương trong đó có các hòa giải viên là những người gần dân nhất cần phải nỗ lực mỗi ngày. Không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc mà hòa giải viên cần phải có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có hiểu biết pháp luật…

Với cương vị là Trưởng thôn kiêm Tổ phó tổ hòa giải số 3, thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quỳnh đã có nhiều đóng góp tiêu biểu trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Trong cuộc sống thường ngày ở miền quê hay phố thị thì chuyện xích mích, mâu thuẫn trong gia đình, nội tộc, hàng xóm… là điều không thể tránh khỏi và ở thôn Đoài cũng vậy. Do đó, những người làm công tác hòa giải như ông Quỳnh luôn là người làm cầu nối để gắn kết mọi người lại với nhau, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống cho Nhân dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải, ông Quỳnh cho rằng, ngoài kỹ năng của hòa giải viên, cần sự nhiệt tình, khôn khéo và phải có uy tín trước dân thì tiếng nói của mình mới phát huy và có trọng lượng. Người hòa giải phải biết làm cho tình hình “nóng làm cho nguội”, “việc bé thành việc không có gì” và phải kịp thời có mặt khi vụ việc vừa mới phát sinh. Bên cạnh đó, cá nhân hòa giải viên phải gần gũi với Nhân dân, phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, ông Quỳnh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm nhiều kiến thức cùng với những kỹ năng nghiệp vụ được Phòng Tư pháp huyện tập huấn, bồi dưỡng, ông đã cùng tổ hòa giải số 3 áp dụng và hòa giải thành không biết bao nhiêu vụ việc.

Một trong những vụ việc hòa giải thành mà ông ấn tượng nhất đó là câu chuyện tranh chấp đất đai giữa hai người hàng xóm là ông T và ông V. Vào thời điểm đầu năm 2017, gia đình ông T giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà kiên cố thì phát hiện nhà ông V ở liền kề có xây bờ rào lấn sang phần đất nhà ông T là 15cm. Ông T gọi ông V trao đổi, hai bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra mâu thuẫn, thách thức nhau.

Nắm được thông tin, ông Quỳnh cùng tổ hòa giải đã có mặt kịp thời mời hai gia đình về nhà văn hóa để hòa giải, trước khi hòa giải tổ hòa giải đã đến UBND xã Xuy Xá xác minh số đo diện tích của thửa đất hai nhà. Sau đó khảo sát thực tế tại mảnh đất đó thì cả hai nhà đều có số đo dư với lý do nhà ông V có hai mặt đường, nhà ông T có một mặt đường nên mỗi nhà có lấn ra ngoài một ít.

Tổ hòa giải trực tiếp phân tích cái đúng, cái sai của ông V và căn cứ vào thực tế tại 2 thửa đất thì ông V đã lấn sang nhà ông T tổng là 1m2. Ông Quỳnh giải thích rõ cho ông V nghe về việc mình lấn sang đất nhà ông T là không đúng được thể hiện ngay ở hiện trạng đất căn cứ vào các số đo do UBND xã cung cấp, ông V chỉ được sử dụng dụng phần đất nhà mình được cấp trong sổ đỏ.

Còn ông T cũng phải hợp tác, nhất trí với phương án tổ hòa giải đưa ra. Nếu hai gia đình vẫn thấy không thỏa đáng thì mời địa chính xã về đo. Khi địa chính xã về đo thì phải trả tiền công đo đạc theo thị trường, nếu nhà ai thừa thì tập thể sẽ thu lại…

Với những lời lẽ thuyết phục có tình, có lý của hòa giải viên, hai gia đình đã bắt tay nhau hòa giải, tình làng nghĩa xóm được trọn vẹn. Khi nhà ông T xây xong, khánh thành nhà vẫn mời nhau cùng chung vui và ông V vui vẻ nhận lời. Sau mỗi vụ việc hòa giải thành, ông Quỳnh và tổ hòa giải lấy đó làm niềm vui, làm động lực để tiếp tục đóng góp sức mình cho thôn xóm bình yên.

Hòa giải viên chia sẻ bí quyết hòa giải ở cơ sở
Tổ trưởng tổ hòa giải hơn 20 năm tâm huyết với “nghề”
Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.