![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. Ảnh: VGP |
Tuyên bố được đưa ra trong Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 9/7 tại trụ sở Chính phủ. Phiên họp có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cùng lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố liên quan.
Hiện cả nước đang triển khai hàng loạt dự án đường sắt trọng điểm, trong đó có tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Hà Nội – Lạng Sơn và Hải Phòng – Móng Cái, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng đánh giá cao tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có việc trình Quốc hội và Chính phủ thông qua các luật, nghị quyết và nghị định quan trọng như Luật Đường sắt, Nghị định 123/2025/NĐ-CP và Nghị quyết 188/2025/QH15.
Đặc biệt, dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 12/2025, mở ra trục vận tải chiến lược nối Tây Bắc với Đông Bắc Bộ.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng, với tinh thần “không trông chờ, không cầu toàn, làm đến đâu chắc đến đó”. Việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư giúp đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện để các gói thầu xây dựng khởi động sớm.
Ngoài ra, các bộ ngành cũng được giao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trước ngày 10/8/2025; xây dựng phương án đầu tư linh hoạt theo luật hiện hành; đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ xúc tiến họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc để thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng đường sắt không chỉ nhằm nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics, mà còn góp phần tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân và phát triển đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước
Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai theo cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua nhằm đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị.
Vũ Linh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khoi-cong-dong-loat-hai-tuyen-duong-sat-chien-luoc-vao-ngay-1982025-424239.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.