e magazine
05:06 | 26/04/2025
Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

05:06 | 26/04/2025

Gắn bó hàng chục năm với nghề, cán bộ tư pháp - hộ tịch ở huyện Ba Vì, Hà Nội đã trải qua bao khó khăn, vất vả để “cõng luật” đi đến từng thôn xóm, bản làng tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số…
Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô
Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

Một ngày tháng Tư, theo lịch hẹn chúng tôi có dịp lên huyện Ba Vì - vùng cao của Thủ đô, để gặp cán bộ tư pháp nơi đây. Giữa tiết trời giao mùa, gió núi lồng lộng, trong không khí ấm áp của những ngày cuối Xuân, con đường liên huyện trải nhựa khá vắng vẻ, bên đường cây cối xanh mát dẫn đến UBND xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

Ngay khi vào trụ sở UBND xã, ông Vũ Văn Khải, công chức tư pháp - hộ tịch, niềm nở mời chúng tôi vào uống nước, trò truyện. Nhâm nhi chén trà xanh, ông Khải cho hay, năm 1998, sau khi tốt nghiệp ngành Luật ông về công tác tại UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Đến năm 2021, ông được chuyển về làm việc tại UBND xã Ba Vì. Trải qua mấy chục năm công tác, gắn bó với bà con vùng dân tộc thiểu số với nhiều kỷ niệm khó quên.

Theo vị cán bộ tư pháp, xã Ba Vì là một xã miền núi của Hà Nội. Toàn xã với hơn 2.500 nhân khẩu, gần 95% là người đồng bào Dao, gồm có 3 thôn: Hợp Nhất, Hợp Sơn, Yên Sơn. Trước đây, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến đồng bào dân tộc thiểu số, còn gặp rất nhiều khó khăn bởi đời sống kinh tế - xã hội của bà con còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao nên nhận thức pháp luật hạn chế.

Bên cạnh đó, điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho người dân vùng núi còn thiếu, nhất là về kinh phí nên các hoạt động tuyên truyền PBGDPL tại thôn, bản, vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, chưa thường xuyên hoặc chưa đạt chất lượng như mong muốn.

Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

Đến nay, ông Khải đã có gần 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp. Nhớ lại những năm đầu về công tác, lương của một cán bộ tư pháp xã phụ trách công tác tư pháp chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, với tâm nguyện vì bà con, luôn hết mình làm việc nên bao giờ ông Khải có ý định bỏ nghề và cho phép mình chểnh mảng với công việc. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người làm công tác chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn… là vô cùng quan trọng bởi gắn liền với quá trình sinh ra, trưởng thành, kết hôn của một con người nên ông Khải luôn rất thận trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Giọng trầm chậm ông Khải kể, một chuyện mà có lẽ đáng nhớ nhất trong mấy chục năm gắn bó với nghề đó là làm thủ tục đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng người dân tộc Dao. Điều khiến ông ngỡ ngàng là người chồng đã hơn 80 tuổi, vợ hơn 70 tuổi, gia đình của hai cụ đã đề huề con cháu.

Tuy nhiên, do liên quan đến phân chia tài sản thừa kế, đất đai cho các con nên họ cần đăng ký kết hôn. Và để xác minh về hai cụ chuẩn bị kết hôn thì không hề đơn giản. Ngoài việc ông Khải hướng dẫn con cháu làm các giấy tờ cần thiết như: tờ khai, xin xác nhận của bí thư, trưởng thôn… thì ông Khải còn lặn lội xuống tận bản để xác minh từ trưởng bản và các lãnh đạo cũ đã nghỉ hưu từ nhiều năm về trước.

“Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục thì chúng tôi đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 2 cụ trong niềm vui hân hoan của các con cháu trong gia đình”, ông Khải chia sẻ.

Cũng theo cán bộ tư pháp này, trong năm 2023, giống như trường hợp của 2 người già nêu trên có 3 đôi vợ chồng đăng ký kết hôn ở độ tuổi 60-70. Hầu hết những trường hợp này do điều kiện sống, hoàn cảnh khó khăn trong thời kỳ trước. Đến nay, sau 17 năm sáp nhập về Thủ đô, diện mạo vùng dân tộc thiểu số thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Năm 2021 xã Ba Vì đã đạt chuẩn tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những năm gần đây, công tác tư pháp - hộ tịch đã có những chuyển biến tích cực, ngoài việc tuyên truyền qua phát thanh, hội nghị còn triển khai tuyên truyền qua zalo, facebook…

Dù đã lớn tuổi, chỉ còn 1-2 năm nữa ông Khải đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nhưng như lời ông bộc bạch: “Còn làm ngày nào, hay khi về hưu thì cũng sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bà con liên quan đến công tác tư pháp – hộ tịch. Tôi tâm niệm làm sao để bà con khi thực hiện giải quyết các vấn đề liên quan thủ tục hành chính được nhanh, đúng, thuận tiện nhất”.

Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô
Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

Rời xã Ba Vì, chúng tôi đến xã Tản Lĩnh gặp nữ công chức tư pháp - hộ tịch Nguyễn Quỳnh Trang. Khoảng 15h của ngày cuối tuần nhưng bộ phận “Một cửa” UBND xã khá đông người dân đến làm thủ tục. Tại đây, những tấm bảng niêm yết các thủ tục hành chính, tài liệu được sắp xếp cẩn thận, từng lĩnh vực được in mã QR để tạo thuận lợi cho công dân khi tra cứu thông tin. Chị Trang tay thoăn thoắt với giấy tờ, bàn phím. Chỉ qua vài chi tiết nhỏ cũng phần nào thấu hiểu được niềm say mê, trách nhiệm của nữ cán bộ với công việc “làm dâu trăm họ”.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, năm 2014 chị được làm việc chính thức tại UBND xã Tản Lĩnh. Là xã miền núi với tổng diện tích tự nhiên là 27.73 km2, dân số khoảng 17 nghìn nhân khẩu. Có hai dân tộc chính là Kinh và Mường, ngoài ra có số ít dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn như: Thái, Tày, Nùng… Với người dân tộc thiểu số, hầu hết họ ít trú trọng đến công tác tư pháp (kết hôn, khai sinh, khai tử, quản lý hồ sơ hộ tịch...) nên công việc ban đầu tương đối khó khăn.

Đến nay, chị Nguyễn Quỳnh Trang đã có hơn 10 năm công tác tại UBND xã Tản Lĩnh, với công việc công chức tư pháp - hộ tịch là những người thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với Nhân dân địa phương, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của người dân. Trong khi, đặc thù của địa phương, người là dân tộc có phong tục tập riêng. Do vậy, đòi hởi phải có sự hỗ trợ của đồng nghiệp, các trưởng thôn, cùng sự quan tâm của lãnh đạo xã, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn của Phòng Tư pháp huyện, chị Nguyễn Quỳnh Trang mới vượt qua được những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo lời chị kể, ở địa phương vẫn còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến di sản khi có người mất họ cũng không thực hiện khai tử (theo quy định trong 15 ngày), chỉ đến khi nhiều năm sau, hoặc có việc liên quan đến chia di sản thừa kế người dân mới đi làm. Rồi đến vấn đề khai sinh, có những cặp vợ chồng chỉ đến khi con đi học mầm non, mẫu giáo mới đi khai sinh.

Hay các em học sinh thất lạc giấy khai sinh… Với những trường hợp này, cán bộ tư pháp lại phải dò tìm lại những giấy tờ để làm thủ tục cho người dân. “Công việc hàng ngày tiếp xúc với các quy định tư pháp khô khan nhưng không thể cứ dập khuôn đem văn bản để giải quyết. Với trách nhiệm của người cán bộ tư pháp, chúng tôi tìm mọi cách, tham mưu với lãnh đạo tháo gỡ, để giúp đỡ người dân một cách tốt nhất”, chị Nguyễn Quỳnh Trang cho hay.

Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

Với đặc thù của địa phương có nhiều người là dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương, cán bộ tư pháp xã Tản Lĩnh đã phối hợp triển khai với đa dạng hình thức tuyên truyền PBGDPL để nhân dân dễ nắm bắt, dễ hiểu. Các hội nhóm, thôn, xóm lập fanpage, zalo… nhằm mục đích tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất.

Điển hình, tại thôn Cua Chu ra mắt “Tổ truyền thông cộng đồng”. Thôn Cua Chu có trên 61% hộ gia đình là người dân tộc Mường; số hộ nghèo, cận nghèo của thôn là 2,76%. Đây là “Tổ truyền thông cộng đồng” thứ 4 được thành lập tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì. Hoạt động của Tổ bám sát các hướng dẫn của các cấp và tình hình thực tế tại địa bàn, đảm bảo mỗi tháng có ít nhất một hoạt động cho cộng đồng.

Lồng ghép hoạt động truyền thông với các cuộc họp của thôn, họp chi bộ, họp tổ, hội của các đoàn thể trong thôn. Việc thực hiện các hoạt động truyền thông tận dụng tối đa lợi thế truyền thông trên nền tảng số do Tổ thành lập duy trì trên ứng dụng zalo, facebook; hoạt động truyền thông được thực hiện dựa trên phương pháp có sự tham gia và tăng cường khuyến khích sự tham gia của người dân, cộng đồng…

Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô

Nữ cán bộ tư pháp bộc bạch: “Để làm tốt công tác tư pháp, nơi nào đang nổi lên các vấn đề liên quan đến đất đai thì tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Đất đai; liên quan đến di sản thừa kế thì tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thừa kế... Cán bộ phải tôn trọng, cố gắng đáp ứng cao nhất nội dung mà người dân muốn nghe, muốn biết, muốn tìm hiểu. Nếu triển khai cách làm có trọng tâm, trọng điểm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, đảm bảo sát với thực tế, trúng với mong mỏi của chính quyền và nhân dân…”.

Đánh giá công tác tư pháp đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, chị Nguyễn Quỳnh Trang là một trong những công chức có chuyên môn tốt, nhiệt tình, hăng say với công việc. Có thể nói là “việc bù đầu” nhưng nữ cán bộ này vẫn giải quyết rất suôn sẻ.

“Với sự thân thiện, tâm huyết của chị Trang, vì thế hầu hết người dân đến giải quyết công việc tại UBND xã đều đánh giá cao chuyên môn của cán bộ này. Tinh thần và phong cách làm việc của chị Nguyễn Quỳnh Trang trở thành tấm gương cho các cán bộ, nhân viên tại các bộ phận trên địa bàn”, ông Phạm Đình Hùng chia sẻ.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chuyện những người “cõng luật” đi muôn nẻo ở vùng cao của Thủ đô
Kỳ 1: Lan tỏa kiến thức pháp luật trong cộng đồng Kỳ 1: Lan tỏa kiến thức pháp luật trong cộng đồng

Thời gian qua, công tác tư pháp, đặc biệt là việc lan toả kiến thức pháp luật trong đồng bảo dân tộc thiểu số luôn ...