Thứ sáu 24/01/2025 00:23

4 cán bộ Cục Lãnh sự nhận hối lộ đối diện khung hình phạt nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hành vi nhận hối lộ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền và phát sinh những hệ lụy, tiêu cực, bất bình đẳng trong xã hội. Những đối tượng này cần phải nghiêm trị…
Khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Cục Lãnh sự khuyến cáo công dân Việt Nam

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 27-1, Bộ đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự để phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cá nhân ở Cục Lãnh sự về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, BLHS năm 2015.

“Xác định đây là hành vi trục lợi cá nhân, với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ toàn bộ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và theo đúng các quy định của pháp luật”, thông cáo Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Từ trái qua các bị can: Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng (Ảnh: Bộ Công an)
Từ trái qua các bị can: Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng (Ảnh: Bộ Công an)

Trước đó, như PL&XH đã đưa tin, ngày 27-1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” để xét duyệt cấp phép cho các Cty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 4 bị can để điều tra cùng về tội “Nhận hối lộ” gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, SN 1974, tại Hà Nội; nghề nghiệp: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, SN 1980, trú tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh, SN 1982, trú tại Hưng Yên; nghề nghiệp: Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lưu Tuấn Dũng, SN 1987, trú tại Hà Nội; nghề nghiệp: Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố và tạm giam đối với Cục trưởng, Cục phó, Chánh Văn phòng và Phó Phòng thuộc Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cùng về tội “Nhận hối lộ” là cần thiết để đảm bảo công bằng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Thái cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình là hành vi đưa hối lộ. Còn người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm một công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình vì lợi ích của người đã đưa hối lộ thì đó là hành vi nhận hối lộ.

Cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc. Theo quy định của BLHS năm 2015 thì tội “Đưa hối lộ” được quy định tại Điều 364 và tội “Nhận hối lộ” được quy định tại Điều 354.

Luật sư Thái phân tích, theo Điều 354, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trường hợp CQĐT có căn cứ cho thấy các đối tượng trong vụ án này đã nhận hối lộ từ hai lần trở lên hoặc hành vi được xác định là lạm dụng chức vụ quyền hạn thì khung hình phạt tối thiểu là phạt tù từ 7 - 15 năm. Còn trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì hình phạt có thể tới 20 năm tù. Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người nhận hối lộ sẽ bị xử lý trong khung cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

CQĐT có trách nhiệm làm rõ của hối lộ ở đây là tài sản, lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất. Ai là người đã đưa ra yêu cầu này và việc chuyển giao lợi ích này được thực hiện như thế nào, trực tiếp hay qua khâu trung gian. Người nào trung gian để chuyển số tiền này thì sẽ bị xử lý về hành vi môi giới hối lộ. Còn người đưa ra yêu cầu sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 164, BLHS năm 2015.

Đây là chế tài rất nghiêm khắc của hành vi nhận hối lộ để răn đe, phòng ngừa đối với người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hành vi nhận hối lộ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền và phát sinh những hệ lụy, tiêu cực, bất bình đẳng trong xã hội. Bởi vậy tội “Nhận hối lộ” là một trong những tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động