Ấm áp một Hà Nội trong mùa giãn cách
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChưa bao giờ, những chuyến xe sẻ chia của nhóm "Những chuyến xe yêu thương" được biết nhiều đến thế. Các chuyến xe nửa đêm về sáng, các chuyến xe liên tỉnh… chở những yêu thương, đồng cảm với bệnh nhân nghèo được nhiều người ghi nhận. Xúc động lắm chứ những bệnh nhân nghèo kiệt quệ vì bệnh tật bỗng chốc được ngồi trên những chiếc xe sạch sẽ, sang trọng để êm ả về quê… Không có những mặc cả nhiều ít, không có những gằn hắt mà tất cả đều nhẹ nhàng, cẩn trọng, chia sẻ và đồng cảm.
Lạ lắm chứ, ở giữa những nghiệt ngã của số phận, lại đối diện với nỗi lo của dịch bệnh, của giãn cách… người ta lại nhận được những ân cần của một, hai người xa lạ. Không phải khoảng cách địa lý, mà với các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Hà Nội, cái khiến quãng đường về nhà xa vời vợi trong thời điểm giãn cách đó là sự kiệt quệ về tiền bạc, về tài chính… Và chuyến xe miễn phí của các cô gái, chàng trai còn rất trẻ ấy không chỉ khiến đường về nhà mà còn là lòng người bỗng dưng gần lại hơn rất nhiều.
Những chuyến xe miễn phí không chỉ khiến đường về nhà mà còn là lòng người bỗng dưng gần đến thế |
Với những người lao động nghèo, dịch Covid và giãn cách xã hội hiển hiện với họ là sự khó khăn, thiếu thốn. Cái cảnh lao động cật lực cả ngày có nhiều nhặn thì được vài chục đến 1, 200 nghìn và cứ ráo mồ hôi là hết tiền, nói chi đến lúc việc không có mà miệng vẫn phải ăn. Thế nên mô hình bữa cơm 0 đồng của Đoàn Thanh niên phường Phú Đô và hai gia đình trong phường là một cứu cánh cho họ.
250 xuất ban đầu đến 500 xuất những ngày sau hoàn toàn không dễ dàng, cũng chẳng phải con số ít ỏi. Và với những người trực tiếp được nhận, được trao những ngọt ngào này lại là sự cứu cánh. Ít nhất trong khi khó khăn, họ cũng nhận được những sẻ chia rất thật. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hơn hết, cái họ nhận được, đó là sự trân trọng và đồng cảm với khó khăn của thân phận mình.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” |
Ngay từ ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, các thành viên của CLB Xe bán tải địa hình Việt Nam đã luồn lách chuyển những suất cơm, những chiếc bánh mỳ nóng hổi đến tay những người nghèo, gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách, 200 suất cơm đã được chuyển đến những người bệnh ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng) và những người nghèo ở cổng Bệnh viện Bạch Mai, khu vực gầm cầu Long Biên.
Cũng ngay trong tối đó, 300 suất cơm và 200 suất bánh mỳ tiếp tục được trao đến những người lao động tự do bị mất việc tại khu vực chợ Long BIên, các phường Phúc Tân, Chương Dương…
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, những buổi đi chợ 0 đồng khiến nhiều người lao động nghèo bật khóc. Bà Vũ Thị Lan (68 tuổi, quê Hưng Yên) làm nghề gánh hàng thuê ở chợ Long Biên thất nghiệp khi chợ Long Biên dừng hoạt động. Ở thì đói, mà về quê thì kẹt vì không có xe… thế nên những phiếu đi chợ 0 đồng với bà vô cùng ý nghĩa: “Dịch không có việc làm, ở nhà trọ quanh quẩn với 4 bức tường. Đói thì cố dè xẻn ít mỳ tôm. Và đến khi đi chợ đã không mất tiền lại còn có cá, có thịt, có rau… Quý hóa vô cùng” – bà nghẹn ngào nói.
Cũng không chỉ có bà Lan, còn rất rất nhiều người lao động khác được nhận những thực phẩm thiết yếu qua những buổi chợ 0 đồng xuất hiện rất nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ở rất nhiều nơi, từ các ngõ ngách quận, huyện, phường xã… đều có bóng dáng của những chiếc chợ nhân tình này. Không chỉ đơn giản trao cho người nghèo những bữa cơm, mà mô hình chợ 0 đồng này còn trao cho họ niềm tin và động lực sống…
Không chỉ có những người dân, mới đây, nhiều UBND phường trên địa bàn Hà Nội đã gửi thư ngỏ xuống cho các chủ nhà trọ. Có thư viết: “… chủ nhà cho thuê, chủ nhà trọ mở rộng tấm lòng nhân ái, chung tay cùng Đảng, Chính quyền và nhân dân trong phường bằng việc làm thiết thực là miễn, giảm tiền thuê trọ cho các hộ gia đình, cá nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng đại dịch…”.
Và sau thư ngỏ, đã có rất nhiều những chủ có nhà cho thuê miễn, giảm tiền thuê cho người lao động gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Dù ít hay nhiều, thì sự chia sẻ đúng lúc cũng khiến cuộc sống của người lao động vốn đã lao đao vững vàng hơn để yên tâm đi qua mùa dịch.
Có lẽ đi qua những mùa dịch, mặc dù có nhiều cái mất đi, có nhiều đau thương, nhưng còn ở lại cái quan trọng nhất với nhiều người, đó là một Hà Nội ấm áp tình người, sự sẻ chia. Với nhiều người, tình người trong mùa dịch kéo họ gần lại, tin tưởng và vững tâm hơn vào cuộc sống. Hà Nội đã thực sự tạo nên những ngày giãn cách nhưng không xa cách.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại