![]() |
- Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện trên địa bàn TP là một trong những chiến lược thu hút nhân tài của Hà Nội. Ảnh: T.H |
Đại tá – TS Nguyễn Hữu Phúc cho biết: “Khoản 1 Điều 18 của Dự thảo Luật có thể hiểu là một quy định định nghĩa về “nguồn nhân lực chất lượng cao”, theo tôi nên đưa khái niệm này vào Điều 3 (Giải thích từ ngữ). Chẳng hạn: “15. Nguồn nhân lực chất lượng cao là những người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩ̉m, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô…”;
Dự thảo Luật cũng cần bổ sung giải thích thế nào là nhân tài, đồng thời cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài. Đối với người có những thành tích xuất sắc trong học tập, công tác và đóng góp lớn cho TP trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội... đều được xem xét, quan tâm tạo điều kiện phát huy tài năng cá nhân của họ.
Về kỹ thuật lập pháp, nên bỏ từ “kể” trước cụm từ “kể cả trong và ngoài nước”; bỏ từ “của” trước cụm từ “của một lĩnh vực”; theo đó sửa lại là: “Những người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô…”.
Tại Khoản 2 Điều 18 của Dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan cơ quan, tổ chức, đơn vị của TP Hà Nội trong thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là quy định hợp lý, song Đại tá – TS. Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, để thực thi chính sách này trên thực tiễn cần xem xét tính thống nhất trong quy định của chính sách, bởi vì nếu người đứng đầu được trao quyền tuyển dụng nhưng họ bị tác động bởi chính sách ưu tiên.
Đại tá – TS Nguyễn Hữu Phúc lý giải, người là nhân tài thì mức thu nhập của TP cũng chưa đủ sức thu hút, do đó cần có cơ chế để thu hút nhân tài làm việc như bổ nhiệm đúng vị trí, đánh giá đúng kết quả làm việc. Riêng đối với Hà Nội vấn đề là phải giữ nhân tài làm việc ở Hà Nội bởi Thủ đô đang tập trung đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu đứng đầu cả nước. Như vậy, để chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội có sự đột phá và mang tính khả thi cần bổ sung vào Dự thảo một số quy định tường minh, chặt chẽ hơn.
Chẳng hạn như: Quy định về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp và các đãi ngộ phi vật chất khác để giữ chân người tài; chính sách đề cập các điều khoản ưu đãi cho người tài có cơ hội học tập, làm việc, tuyển dụng trong cơ quan nhà nước, cơ hội thăng tiến; điều kiện để phát huy hết khả năng, thế mạnh của mỗi cá nhân, đãi ngộ xứng đáng với những công trình ứng dụng mang lợi ích cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế tôn vinh các danh hiệu cao quý của TP và Trung ương do TP đề xuất khi có thành tích đặc biệt xuất sắc. Quy định tại Điều 18 Dự thảo là chưa đủ, chưa thực sự thấy được tính thu hút đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Đại tá – TS. Nguyễn Hữu Phúc, để nội dung của Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 thực sự phát huy được hiệu lực trong thực tiễn khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, việc trao quyền cho: “Chủ tịch UBND Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài Nhà nước vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo” và HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết cụ thể hóa các nội dung tại Khoản 1 và Khoản 2 của chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao là hợp lý.
Song, Dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định nhằm tăng tính thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; quy định thêm sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm đối với cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.
Bạch Dương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tranh-viec-lam-dung-chuc-quyen-de-tuyen-dung-sai-quy-dinh-va-vu-loi-348504.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.