Thứ sáu 24/01/2025 05:42

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đổi mới tổ chức chính quyền tại Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Để khẳng định được vị thế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh cũng như đáp ứng được yêu cầu cấp bách của thực tiễn, chính quyền tại Thủ đô phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý”, đó là ý kiến trong tham luận của TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đổi mới tổ chức chính quyền tại Thủ đô
Các chuyên gia góp ý cho Dự thảo Luật tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được tổ chức tại trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Cần trao cho thành phố thuộc thành phố khuôn khổ pháp lý riêng để tạo đà phát triển

Theo đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khắc phục những tồn tại và vướng mắc của Luật Thủ đô năm 2012. Đặc biệt, quy định về tổ chức chính quyền trong Dự thảo Luật (sửa đổi). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quy định về tổ chức chính quyền tại Thủ đô trong Chương II của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục trao đổi, làm sáng rõ:

Thứ nhất, về mô hình tổ chức chính quyền tại Thủ đô, quy định trong Dự thảo vẫn chưa triệt để yêu cầu tinh gọn bộ máy gắn với chủ trương CCHC; mô hình chính quyền vẫn cồng kềnh, tầng nấc, bị cắt khúc, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Nếu so sánh với mô hình tổ chức chính quyền đô thị với một số địa phương đang thực hiện/thí điểm thực hiện như TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì mô hình chính quyền tại Thủ đô trong Dự thảo chưa thực sự có sự thay đổi đột phá. Tất nhiên, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền sẽ kéo theo rất nhiều yếu tố, nhiều vấn đề về mặt chính trị, kinh tế, xã hội mà với vị thế là Thủ đô, Hà Nội phải rất thận trọng.

Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên, trong tương lai, Hà Nội cần hướng tới mô hình tổ chức chính quyền một cấp. Theo Nghị quyết 06- NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/01/2022, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đến năm 2030 đạt trên 50%. Với Hà Nội, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng 65-70%. Đô thị Hà Nội lúc này có tính tập trung rất cao về dân cư; các đầu mối giao thông, hành chính, hàng hóa, dịch vụ, thông tin, giao lưu trong sản xuất và thương mại.

Bên cạnh đó, đô thị có tính đồng bộ và thống nhất; cơ sở hạ tầng đô thị cần phải là những mạng lưới xuyên suốt, ít bị phụ thuộc bởi ranh giới hành chính. Do vậy, hoạt động quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực tại TP có tính liên kết với nhau chặt chẽ; chính quyền có tính thống nhất cao trong chỉ đạo công việc, đòi hỏi sự nhanh nhạy, quyết liệt trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Với những đặc thù đó, đòi hỏi bộ máy chính quyền TP phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý mà mô hình thích hợp lúc này là mô hình một cấp chính quyền (cấp thành phố). Riêng đối với TP thuộc TP thì thiết lập cơ chế riêng, với chính quyền đầy đủ cả HĐND và thiết chế hành chính.

Thứ hai, về tổ chức chính quyền tại TP thuộc TP. Dự thảo quy định TP thuộc TP Hà Nội là một cấp chính quyền gồm HĐND và UBND. Nhìn chung, quy định trong Dự thảo hiện nay về tổ chức và hoạt động của chính quyền TP thuộc TP khá “an toàn”, không có nhiều điểm khác biệt so với chính quyền ở các đơn vị hành chính tương đương.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên cho rằng, TP thuộc TP mặc dù là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có rất nhiều điểm đặc thù so với đơn vị hành chính tương đương. Chúng ta không thể và không nên áp dụng mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở các huyện, quận, thị xã vào TP thuộc TP. Nếu như vậy thì không khác gì “bình mới rượu cũ”, không tương xứng với đặc thù, điều kiện phát triển của TP thuộc TP và cũng là đi lại vết xe của TP Thủ Đức hiện vẫn đang loay hoay câu chuyện cơ chế.

Vì vậy, theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên, Luật Thủ đô cần trao cho TP thuộc TP khuôn khổ pháp lý riêng để tạo đà phát triển. Về tổ chức, TP thuộc TP gồm cơ quan đại diện của dân (HĐND) và thiết chế hành chính. Quy định về HĐND giữ nguyên như Dự thảo. Về thiết chế hành chính ở TP thuộc TP thì áp dụng cơ chế thị trưởng. Quy định cụ thể như sau:

Về vị trí, thị trưởng là thủ trưởng hành chính ở TP thuộc TP, đồng thời chấp hành HĐND cùng cấp. Thị trưởng là người có quyền hạn cao nhất trong bộ máy hành chính TP thuộc TP, điều hành trực tiếp hoạt động của chính quyền TP thuộc TP.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, thị trưởng quản lý TP thuộc TP, quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP thuộc TP; triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và HĐND cùng cấp; cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ về giao thông, cấp thoát nước, nhà ở, việc làm, quản lý dân nhập cư, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Để giúp thị trưởng thực hiện tốt vai trò thủ trưởng điều hành trong bộ máy hành chính của TP thuộc TP, cần trao cho thị trưởng quyền chủ động trong cơ chế về nhân sự, tăng số lượng biên chế phù hợp với khối lượng công việc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn: bằng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học... về làm việc trong bộ máy chính quyền cũng như có kế hoạch phù hợp, dài hơi trong công tác đào tạo, luân chuyển và bố trí nhân sự; đồng thời cần có chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Về hình thành, thị trưởng TP thuộc Thủ đô do Nhân dân ở TP thuộc TP bầu ra theo các nguyên tắc bầu cử. Việc bầu Thị trưởng được tổ chức cùng lúc với kỳ bầu cử đại biểu HĐND; Về hoạt động, thị trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên và trước HĐND cùng cấp về hiệu quả quản lý Nhà nước ở TP thuộc TP.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân

Thứ ba, về tổ chức của các cơ quan chính quyền tại Thủ đô. Với HĐND, theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên, có thể nghiên cứu chính sách để thu hút các chuyên gia, những người có năng lực chuyên môn phù hợp tham gia không chính thức vào các ban của HĐND, đặc biệt là HĐND TP. Những thành viên này được quyền tham dự các kỳ họp của ban, được phát biểu, tranh luận... nhưng không có quyền biểu quyết với tư cách là một đại biểu chính thức do cử tri bầu ra. Theo cách này, kể cả những người đang làm trong các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp ở địa phương cũng có thể được tham gia với tư cách là đại biểu HĐND không chính thức.

Bên cạnh đó, cũng cần quy định giới hạn đại biểu HĐND đồng thời kiêm nhiệm là công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp trên địa bàn, trừ một số chức danh nhất định như Chủ tịch UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Trong hoạt động của HĐND, phải lấy hoạt động của đại biểu HĐND và hoạt động của các ban thuộc HĐND là chủ yếu; công việc của HĐND phải do đại biểu và các ban giải quyết là chính. HĐND chỉ giải quyết những gì mà đại biểu và các ban không đủ khả năng hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết.

Đối với đại biểu HĐND, hiện nay để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND, pháp luật có quy định về số lượng đại biểu HĐND chuyên trách. Tuy nhiên, các đại biểu chuyên trách cũng chỉ hoạt động đại biểu theo nhiệm kỳ 5 năm. Hết nhiệm kỳ nếu không được cử tri bầu lại thì người đó dễ gặp khó khăn khi quay lại công việc trước do cơ quan đã bố trí người.

Vì thế nhiều người có năng lực chuyên môn không sẵn sàng tham gia HĐND với tư cách đại biểu chuyên trách, nhất là khi chế độ, chính sách đối với đại biểu chuyên trách hiện nay cũng chưa thu hút. Vì vậy, Dự thảo Luật có thể xem xét quy định về việc lưu nhiệm đối với các đại biểu chuyên trách ít nhất thêm một nhiệm kỳ không qua bầu cử mà chỉ thông qua lấy phiếu tín nhiệm của HĐND.

Thứ tư, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện thiếu vắng các quy định về mối quan hệ giữa chính quyền các cấp ở TP Hà Nội với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Khi không tổ chức HĐND phường đồng nghĩa với giảm đi một tầng đại diện của người dân ở phường, ít nhiều ảnh hưởng đến có việc đảm bảo quyền đại diện, thực hiện ý chí, quyền làm chủ của người dân.

Do đó, cần tăng cường chức năng đại diện, giám sát của MTTQ Việt Nam. Cần có những quy định cụ thể hơn trong Dự thảo về trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hơn nữa vai trò của MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với UBND cùng cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; tránh làm hình thức để đảm bảo vai trò giám sát của nhân dân trong việc tham xây dựng chính quyền vững mạnh; chọn lọc nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, khắc phục triệt để tình trạng “hành chính hóa”. Cùng với đó, cần nghiên cứu cơ chế thực hiện việc công nhận công chức quận đối với cán bộ đang công tác tại Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phường như đã thực hiện với UBND phường để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong sử dụng, quản lý công chức và điều động luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thứ năm, về thẩm quyền của HĐND TP (Điều 10), TS. Đoàn Thị Tố Uyên và ThS. Nguyễn Mai Thuyên nhất trí với phương án 2 được đưa ra tại điểm 2 khoản 1: “Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở An toàn thực phẩm; đội quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã”.

Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương trong tổ chức chính quyền tại Thủ đô, cần tạo cơ chế mở cho HĐND TP để quyết định thành lập, giải thể, tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND các cấp. Quy định như vậy khẳng định vị trí của HĐND TP, đáp ứng yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện-quyền lực ở địa phương, đặc biệt có khả năng giúp Hà Nội chủ động trong việc ứng phó, giải quyết các vấn đề của Thủ đô.

Đổi mới tổ chức chính quyền tại Thủ đô là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.

“Thành phố trong thành phố” thúc đẩy sự ra đời và phát triển đô thị vệ tinh “Thành phố trong thành phố” thúc đẩy sự ra đời và phát triển đô thị vệ tinh
Đẩy mạnh tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm Luật Thủ đô (sửa đổi) Đẩy mạnh tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động