Thứ năm 23/01/2025 20:31
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với dân số hơn 8 triệu người, Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với bài toán khó về sự quá tải hạ tầng đô thị, công trình giao thông và áp lực môi trường trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường
Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" với sự tham gia của 350 đại biểu. Ảnh Khánh Huy

Vẫn còn khoảng “trống” về bảo vệ môi trường

Tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) đã có tham luận góp ý Dự thảo Luật.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi, Hà Nội là trung tâm kinh tế chính của Việt Nam, thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc. Quá trình nhập cư ồ ạt dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền trong mục tiêu phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Thống kê hiện nay, tổng dân số Hà Nội đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của TP Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước.

Luật Thủ đô ban hành năm 2012, trong đó một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế về lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi nêu thực trạng, trước áp lực dân số tăng cao gây ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt, lượng nước thải sinh hoạt. Theo kết quả thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó có 10-15% không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn TP. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, tổng lượng nước thải hằng ngày của TP Hà Nội vào khoảng 320.000m3, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội trở thành dòng sông chết như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân khu vực.

Mặc dù cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội thực hiện phương án xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn, thí điểm mô hình làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TP.

Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường đất cũng đặt ra thách thức không nhỏ. Hiện Hà Nội vẫn nằm trong top những thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”.

Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...

Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...

UBND TP Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...; thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt gần 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.

Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70-90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...

Hà Nội tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ thành phố xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô.

Đồng thời tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của TP sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là ở các làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, bảo đảm 100% có hệ thống xử lý nước thải phục vụ việc di chuyển các làng nghề đang hoạt động trong khu dân cư.

Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường
Đã có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh và xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm. Ảnh Khánh Huy

Đề xuất giải pháp thực tế

Hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi đề xuất các giải pháp, cụ thể: Về vấn đề bảo vệ môi trường và giảm phát thải (Điều 28) cần quy định rõ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ - sông Đáy, sông Tô Lịch; thực hiện các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Đối với vấn đề đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Điều 33) cần ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án xử lý chất thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Về vấn đề quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô (Điều 20), nên định hướng vùng phát thải thấp cho Thủ đô và vùng Thủ đô. Cụ thể bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.

Phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định vùng phát thải thấp (LEZ) phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Yêu cầu cụ thể đối với Luật Thủ đô (sửa đổi) là một số loại hình sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, công trình xây dựng có khả năng gây ô nhiễm bị hạn chế hoạt động, hoặc phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường cao hơn so với quy định chung.

Cần cơ chế sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các bệnh viện Trung ương đóng tại Hà Nội? Cần cơ chế sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các bệnh viện Trung ương đóng tại Hà Nội?
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động