Nhà vệ sinh công cộng

Công trình phụ mà "không phụ"

Trước tình trạng một số nhà vê sinh công cộng (NVSCC) đã xuống cấp, hệ thống trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm cải tạo lại NVSCC, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
Nhà vệ sinh công cộng tại phố đi bộ Hồ Gươm luôn được giữ gìn vệ sinh. Ảnh: Thanh Tuấn
Nhà vệ sinh công cộng tại phố đi bộ Hồ Gươm luôn được giữ gìn vệ sinh. Ảnh: Thanh Tuấn

Cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng

Dù tình trạng NVSCC tại Hà Nội hiện nay vẫn là một bài toán nan giải cần nhiều năm để giải quyết và phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hệ thống nhà vệ sinh tại một vài khu vực đã được cải thiện hơn trước, đặc biệt là tại một số địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như: phố đi bộ Hồ Gươm, hay Hồ Tây, hồ Xã Đàn, Đại học Thủy lợi, Công viên Thống Nhất (quận Đống Đa)... Một số nhà vệ sinh tại Hồ Gươm đều có nhân viên trực và dọn dẹp thường xuyên trong ngày bao gồm: lau chùi, khử mùi, đánh rửa sàn nhà vệ sinh, bổ sung thêm nước rửa tay hoặc giấy. Điều này nhận được đánh giá tích cực của nhiều du khách về chất lượng phục vụ.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), Công ty đang duy trì 163 NVSCC trên địa bàn Hà Nội, bao gồm 154 nhà vệ sinh bằng gạch và 9 nhà vệ sinh bằng thép (không bao gồm nhà vệ sinh Vinasing). Tại các quận trung tâm Hà Nội, NVSCC phục vụ tốt cho người dân, nhất là tại các điểm tập trung đông người như những tuyến phố đi bộ, Công ty luôn đảm bảo duy trì công nhân trực 3 ca/ngày, luôn có người trực để bảo đảm bố trí đầy đủ nước lau sàn, khử mùi giữ gìn vệ sinh. Bác Nguyễn Thị Oanh (ở Bắc Ninh) cho biết: “Dù chỉ là tiện ghé qua khi công tác tại Hà Nội, tôi cũng thật sự bất ngờ khi so với vài năm trước, NVSCC giờ đây đã sạch sẽ và sáng sủa hơn rất nhiều, người dân đỡ ngại khi vào NVSCC”.

Thí điểm triển khai nhà vệ sinh công cộng kiểu mẫu

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn 4 quận nội đô và việc bố trí địa điểm vệ sinh công cộng. Đối với vệ sinh công cộng, TP giao UBND quận Đống Đa phối hợp với DN nghiên cứu, lựa chọn địa điểm để đầu tư 1 NVSCC kiểu mẫu đảm bảo hiện đại, tiện lợi, thẩm mỹ và đảm bảo vệ sinh môi trường, phù hợp cảnh quan khu vực.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, quận Đống Đa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Vinasing Group thí điểm triển khai NVSCC kiểu mẫu trên địa bàn. Nhà vệ sinh mới được thiết kế hiện đại, phù hợp với cảnh quan. Sử dụng công nghệ cảm biến không chạm, tự động hóa các công đoạn mở cửa, xả nước, rửa tay. Nhà vệ sinh cũng sử dụng năng lượng mặt trời, nước tuần hoàn… thân thiện với môi trường. Hệ thống giám sát kết nối 4G giúp hệ thống xử lý nhanh các sự cố. Đáng chú ý, thiết kế của NVSCC được bố trí một mặt là nhà vệ sinh, một mặt là gian bán hàng. “Việc triển khai sẽ được tiến hành đồng loạt ở trên địa bàn quận Đống Đa” - đại diện UBND quận Đống Đa chia sẻ. Ngoài xây dựng các NVSCC kiểu mẫu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã có cơ chế phối hợp, khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị... mở cửa phục vụ, giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân của du khách, Nhân dân trên địa bàn.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn thiếu NVSCC. Để lắp đặt, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng cần phải có quy hoạch tổng thể, khảo sát, cân đối nguồn lực và kêu gọi đầu tư xã hội hóa. “NVSCC ở một số nước có thể nhận quảng cáo để thu tiền. Ví dụ, NVSCC mà lắp đặt của hãng A thì chúng ta quảng cáo cho hãng này. Hoặc đèn, cửa, bồn rửa tay, thậm chí là nước rửa tay chúng ta sử dụng của hãng nào thì quảng cáo luôn cho hãng đấy để họ tài trợ” - KTS Phạm Thanh Tùng đưa ra ví dụ về việc kêu gọi xã hội hóa để lắp đặt, nâng cấp NVSCC.

KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, ngoài việc lắp đặt thêm NVSCC thì cần phải nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng dịch vụ bằng cách thu phí. Bởi khi thu phí sẽ khiến người dùng cảm thấy có ý thức, trách nhiệm hơn và tiền thu được không “bỏ túi” cá nhân nào mà để trả cho người trông coi. Ngoài ra, cần phải chọn địa điểm đặt NVSCC ở những nơi dễ tìm nhưng không lộ quá gây mất mỹ quan. “Vấn đề NVSCC là chuyện rất lớn trong phát triển đô thị. Chúng ta đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, thời kỳ của công nghệ số, chuyển đổi số nên vấn đề về NVSCC rất quan trọng; cần phải đưa NVSCC vào quy hoạch tổng thể và là một kế hoạch để phát triển đô thị” - KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.

Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội cho biết, các địa phương phải có ngân sách và trách nhiệm xây dựng ý thức vệ sinh công cộng của cư dân, có giải pháp thích hợp giải quyết về mặt kinh tế kỹ thuật cũng như pháp lý - chuẩn mực xã hội. NVSCC dù là công trình phụ nhưng phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân và khách du lịch, là yếu tố cần thiết trong phát triển du lịch đô thị, vì thế chất lượng của nó luôn là vấn đề đáng được xã hội quan tâm. Do đó, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình, người dân cùng có ý thức khi sử dụng, có như vậy mới phát huy hiệu quả của NVSCC, góp phần bảo vệ môi trường và tạo hình ảnh đẹp, văn minh đô thị của Thủ đô.

Singapore tạo dựng kỷ luật xã hội bắt đầu từ việc phạt nặng những người nhổ bậy, làm mất vệ sinh công cộng. Kết quả là xã hội sạch sẽ và cả bộ máy quản trị trong sạch. Ai đã từng đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố. Gần hơn, một quốc gia láng giềng là Thái Lan, thì NVSCC của họ cũng là một “sản phẩm” văn hóa du lịch - KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội.
Không gian sáng tạo trên nền kiến trúc đô thị
Bài toán kiến trúc đô thị nông thôn

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.