Không gian sáng tạo trên nền kiến trúc đô thị
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững đèn hiệu sử dụng cho các nhân viên hỏa xa trước đây cũng được tái hiện lại trong Dự án nghệ thuật công cộng Ga Long Biên. Ảnh: Thanh Tuấn |
Dấu ấn mỹ thuật của Hà Nội xưa
Với mong muốn tái hiện lại những bức vẽ quảng cáo xưa về những thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội trước năm 1954 của họa sĩ Lemur Cát Tường, Dự án Vườn hoa Cửa Nam (Vườn hoa Lemur Cát Tường) với nhiều sáng tạo, ấp ủ của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn và họa sĩ Vũ Xuân Đông đã ra đời.
Dự án nghệ thuật Vườn hoa Cửa Nam cũng vẽ lại bức tranh lụa “Chợ hoa Xuân” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị với khổ lớn trên bức tường đối diện với ngôi nhà cổ của họa sĩ tại Cửa Nam, nơi ra đời bức tranh. Các mảng tường còn lại được vẽ tay tái hiện những bức tranh về hình ảnh hội chợ có bóng dáng áo dài; xe hơi Renault, Citroen từng sử dụng lốp xe Good year; nước khoáng Evian...
Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã cùng các họa sĩ khác đưa hình ảnh áo dài vào các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam như tranh lụa, tranh sơn mài. Điểm nổi bật nữa trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam là các tác phẩm sắp đặt những mô hình phụ nữ mặc áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn. Các tác phẩm này sẽ được bố trí xen kẽ trên thảm cỏ trong vườn hoa.
Tại khu vực vườn hoa nhỏ được bố trí một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Vũ Xuân Đông với các trang trí họa tiết vân mây sóng nước, gợi lại hình dáng, ký ức về cổng thành Cửa Nam thuở xa xưa. Tác phẩm có tên gọi “Phảng phất Cửa Nam”. Tác phẩm điêu khắc này như một gạch nối kết nối lại với ký ức về Hà Nội xưa. Các tác phẩm nghệ thuật trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam nhắc nhớ về lịch sử của một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, thể hiện sự kết nối và viết tiếp với những giá trị sáng tạo mới mẻ thông qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ.
Dự án nghệ thuật công cộng Ga Long Biên. Ảnh: Thanh Tuấn |
Vườn ươm sáng tạo
Ra mắt cùng lúc với Dự án nghệ thuật công cộng tại Vườn hoa Cửa Nam, Dự án nghệ thuật công cộng ga Long Biên được đi vào triển khai thời gian gần đây tại khu vực lối lên xuống cầu thang phía sau của ga Long Biên, kết nối với Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng thông qua phố Gầm Cầu, cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Dự án xây dựng trên ý tưởng đề xuất về cụm tác phẩm nghệ thuật công cộng đa dạng như vẽ tranh 3D, sắp đặt điêu khắc, sắp đặt ánh sáng… Bằng cách đối thoại và tương tác với chính câu chuyện của nhà ga lịch sử này, các họa sĩ đã mang đến một diện mạo mới trên một không gian cũ của phố phường Hà Nội.
Tác phẩm tranh 3D khổ lớn được nhóm họa sĩ trẻ Cấn Văn Ân lên ý tưởng và thực hiện suốt nhiều tuần trên bức tường cũ cùng với phần vẽ 3D dọc lối cầu thang lên xuống, với mong muốn tạo một ấn tượng thị giác mạnh tới du khách với hình ảnh đầu tàu và những bánh xe lửa như một giấc mơ siêu thực giữa đời thường nơi ngõ chợ luôn tấp nập người dân buôn bán bận rộn.
Tác phẩm tranh 3D lại được chiếu sáng bởi cụm tác phẩm sắp đặt ánh sáng từ những chiếc đèn lồng khổ lớn được làm bằng chất liệu nhựa trong. Cụm tác phẩm sắp đặt ánh sáng này của họa sĩ Vũ Xuân Đông lấy cảm hứng từ tạo hình những chiếc đèn hiệu hỏa xa thời trước đây chuyên sử dụng cho nhân viên nhà ga. Những chiếc đèn lồng được trạm trổ các họa tiết trang trí cách điệu từ sự kết hợp ảo ảnh của hình ảnh vân mây và khói tàu.
Cùng với đó còn có cụm tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tạo hình những người buôn bán gánh hàng từng xuất hiện trong những tấm ảnh bưu thiếp cổ, được thể hiện lại bằng chất liệu sắt tấm kết hợp với inox gương tương tác trên bức tường đá xưa. Hình bóng ẩn hiện của những cư dân thành thị này cũng được nhắc lại từ những dự án nghệ thuật công cộng trước đó như một gắn kết nhận diện về vai trò của cộng đồng những người dân lao động đã dần xây dựng và bồi đắp nên sự năng động và phát triển của nơi này.
Dự án nghệ thuật công cộng này như là một nỗ lực tiếp theo của quận Hoàn Kiếm khi tiếp tục triển khai việc phát huy giá trị các không gian có tính lịch sử, không gian di sản trong địa bàn quận thông qua cách tiếp cận mới bằng nghệ thuật, dần tạo thêm nhiều điểm đến thu hút du khách cũng như tăng cường yếu tố văn hóa nghệ thuật cho các không gian trong đô thị. Cùng với Dự án nghệ thuật công cộng ga Long Biên ra mắt cùng lúc cũng sẽ giúp nối dài trải nghiệm của người dân và du khách trên dọc tuyến đường Phùng Hưng, nơi đã từng được biết đến như một địa chỉ thu hút du khách trong suốt 7 năm trở lại đây với Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng.
Ngoài ra, cùng với một loạt các dự án đã triển khai thành công và đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây như Dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân hay Dự án “Chuyện Đình trong Phố”… sẽ nối dài trải nghiệm của người dân và du khách khi đến với Hà Nội. Hà Nội hiện có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật và một số các không gian sáng tạo khác. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp các không gian sáng tạo phát triển. Sự kết hợp của nhà quản lý, nghệ sĩ sáng tạo và các đơn vị tư nhân đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Cộng đồng có thêm những không gian trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, còn các nghệ sĩ có nơi để thực hành và trao đổi. Những không gian này cũng tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho Thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững. Theo các chuyên gia văn hóa, các không gian sáng tạo của Hà Nội độc đáo, khác lạ đó chính là được xây dựng trên nền các công trình di sản văn hóa vốn có của Thủ đô. Khai thác các giá trị từ không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế của Thủ đô.
Bên trong toà nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu mở cửa đón công chúng tham quan | |
Sáng kiến không gian sáng tạo kết nối người khuyết tật và cộng đồng | |
Không gian sáng tạo đánh thức tiềm năng di sản kiến trúc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại