![]() |
Trung tâm thương mại dịch vụ ngầm Royal City, Hà Nội. Ảnh: N.M. |
Không gian ngầm là không gian quan trọng phát triển Thủ đô
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024, nêu rõ quan điểm về tổ chức không gian, coi không gian ngầm là 1 trong 5 không gian quan trọng phát triển Thủ đô, bao gồm: không gian công cộng; không gian trên cao; không gian ngầm; không gian văn hóa - sáng tạo; không gian số.
Phát triển hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại là một trong 5 trụ cột phát triển của Thủ đô, trong đó chú trọng phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm cả đường sắt, nhà ga ngầm và nổi) nhằm giải nút thắt cơ bản, kìm hãm sự phát triển của Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô định hướng “giao thông công cộng tại Hà Nội phải phát triển hiện đại, có khối lượng vận chuyển lớn, sử dụng không gian ngầm, không chiếm không gian mặt đất như hệ thống giao thông của các đô thị hiện đại trên thế giới.
Do vậy, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được xác định là trụ cột phát triển, là khâu then chốt để cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu và mở rộng không gian phát triển, giải quyết căn bản những vấn đề bức bách của đô thị hiện tại, làm cơ sở nền tảng để phát triển đô thị văn minh, hiện đại”.
Phát triển giao thông công cộng là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm đã được định hướng tại Quy hoạch Thủ đô, trong đó đến năm 2035, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của TP và khu vực nội đô.
Khai thác không gian ngầm để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn, tạo không gian mới phát triển dịch vụ đồng bộ tại trung tâm các đô thị. Là một trong 4 khâu đột phá phát triển, bao gồm: thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khoa học công nghệ và tài nguyên nhân văn; đô thị, môi trường và cảnh quan.
Tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục kế thừa các định hướng từ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng khai thác không gian ngầm, cùng với không gian công cộng, không gian văn hóa, sáng tạo, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm tạo bước đột phá về hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối.
Ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận như tạo các tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội, dọc phố Trần Hưng Đạo, kết nối với trung sông Hồng. Khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận: cho phép phát triển mở rộng không gian ngầm tại các trung tâm TOD. Trong phạm vi 500m từ đầu mối TOD, cần sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, quảng trường... Hình thành các tuyến đường đi bộ ngầm kết nối các công trình công cộng ngầm, gara ngầm với đầu mối TOD.
Ngoài phạm vi 500m từ đầu mối TOD, khuyến khích sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế xây dựng cao tầng, giảm mật độ xây dựng phần nổi (khu tập thể cũ, khu vực chuyển đổi chức năng, trung tâm thương mại). Tại những khu vực hạn chế quỹ đất, hoặc các công trình có nhu cầu tăng hiệu quả sử dụng đất trên diện tích xây dựng công trình, để dành không gian bề mặt cho nhu cầu sinh thái, dự trữ cho phát triển trong tương lai như: vui chơi giải trí, thể dục thể thao, bảo tàng, văn hóa, nghệ thuật, ngân hàng, trụ sở DN… Khuyến khích tạo lập các tuyến đi bộ ngầm kết nối giữa phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất trong các cụm công trình có phạm vi đi bộ không quá 500m.
Danh mục công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng
Theo dự thảo Nghị quyết, danh mục các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội bao gồm: công trình phục vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị (bao gồm tuyến đường sắt đô thị ngầm và nhà ga ngầm); công trình ngầm kết nối các công trình ngầm khác với nhau (kết nối ga đường sắt đô thị ngầm, công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm,…); công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị (bao gồm: hầm chui đường bộ, đường bộ ngầm, bãi đỗ xe ngầm); công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; công trình dịch vụ công cộng ngầm có chức năng văn hóa, phát triển du lịch; các công trình ngầm đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Các công trình ngầm chính được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP giai đoạn đến năm 2045 bao gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài khoảng 214,9km, 125 nhà ga, trong đó có 49,5km đi ngầm và 41 ga ngầm (tuyến Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi; Trôi – Nhổn – Yên Sở; Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà; Văn Cao – Hòa Lạc; Sơn Đồng – Mai Dịch – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá; Ngọc Hồi – Sân bay thứ 2 phía Nam; Cát Linh – Láng Hạ - Lê Văn Lương – Yên Nghĩa; Vành đai 2 – Trục phía Nam – Sân bay thứ 2 phía Nam).
Cùng với đó còn có 83 công trình phục vụ hệ thống giao thông đô thị, trong đó, có 5 hầm chui đường bộ và 78 bãi đỗ xe ngầm; Danh mục công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, gồm: 127 tuyến phố hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung; các công trình ngầm khác được khuyến khích đầu tư xây dựng xác định theo quy định tại Điều 1.
Mang lại nhiều lợi ích
Chia sẻ về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển không gian ngầm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng cho biết, việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, đầu tiên dễ nhận thấy đó là nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.
Ngoài ra, việc phát triển không gian ngầm còn góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Đặc biệt quan trọng hơn là nó tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng. Theo đó các công trình ngầm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ an toàn khi có thiên tai hoặc chiến tranh xảy ra...
"Để đẩy nhanh quá trình phát triển không gian ngầm, trước mắt, TP Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm. Để một mặt giảm bớt tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư, mặt khác tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này" - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu quan điểm.
Cùng chia sẻ về không gian ngầm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho hay, hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó.
Tương tự trong đô thị trung tâm của TP, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một TP ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. TP hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân. Những TP ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.
Khung chính sách hỗ trợ phát triển không gian ngầm là yếu tố quan trọng. Bước đầu tiên để đạt được điều này là cần làm rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng không gian ngầm. Việc xác định rõ ràng các ranh giới và phạm vi công việc cho các nhà quy hoạch và nhà phát triển sẽ giúp tránh tạo ra bầu không khí rủi ro, điều này có thể cản trở đầu tư và làm giảm mức độ sử dụng không gian ngầm. PGS.TS Nguyễn Công Giang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội |
![]() | Bảo tồn các di sản có giá trị |
![]() | Trao thêm quyền hạn cho Thủ đô trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm |
![]() | Tạo tiền đề để Hà Nội có những quyết sách mạnh mẽ khai thác hiệu quả không gian ngầm |
Tú Anh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khuyen-khich-dau-tu-xay-dung-cac-cong-trinh-ngam-418157.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.