Thứ năm 08/05/2025 04:54
Luật Thủ đô 2024

Trao thêm quyền hạn cho Thủ đô trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung một số nội dung mới có tính đặc thù, nổi trội, nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực. Đây cũng là cơ sở để chính quyền địa phương xử lý triệt để các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Luật Thủ đô 2024 trao thêm quyền hạn cho Thủ đô trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm
Phá dỡ công trình vi phạm tại tổ 4, khu Ao Vối, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: UBND phường Yên Nghĩa

Xử lý triệt để công trình xây dựng vi phạm

Với phương châm “đưa luật vào cuộc sống”, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung nhiều điều khoản mang ý nghĩa đột phá giải quyết tình trạng vênh chính sách, tạo cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề, song vẫn bảo đảm minh bạch và thứ bậc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật cũng như tính thống nhất với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, Luật Thủ đô 2024 bổ sung nhiều quy định cụ thể, chi tiết hơn về quản lý quy hoạch, xây dựng mà còn trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho chính quyền Thủ đô trong việc xử lý vi phạm. Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc luật hóa các biện pháp mạnh tay hơn trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Nếu như trước đây, việc xử lý thường gặp khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng thì Luật Thủ đô 2024 đã quy định cụ thể các trường hợp có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, thu hồi đất, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư cố tình vi phạm.

Một trong những điểm ấn tượng trong Luật Thủ đô 2024 là quy định thêm 6 lĩnh vực (quảng cáo; phòng cháy, chữa cháy; an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội) cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, cùng với 3 lĩnh vực (văn hóa, đất đai và xây dựng) đã được quy định tại Luật Thủ đô năm 2012. Địa bàn áp dụng được mở rộng ra toàn thành phố, có tính bao quát hơn so với quy định chỉ thực hiện ở khu vực nội thành như Luật Thủ đô năm 2012 (điểm a, khoản 1, Điều 33).

Theo đó, bên cạnh việc trao cho HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 9 lĩnh vực như trên, Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai với nội dung quy định.

Các công trình thuộc diện bị cắt điện, nước còn bao gồm: xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy hay thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cắt điện, nước là giải pháp hữu ích, hỗ trợ quá trình giải quyết vi phạm trật tự xây dựng. Thực tế, thời gian qua, khi xử lý các công trình vi phạm, cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng chủ đầu tư không tự giác khắc phục. Vì vậy, việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của đối tượng vi phạm.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là rất cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước, diện mạo đô thị Thủ đô, cũng như liên quan trực tiếp đến an sinh và an ninh của Nhân dân.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ, không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc giám sát, thực hiện quy định sao cho đúng đối tượng, công bằng, vừa là biện pháp xử lý mạnh tay với những người coi thường pháp luật nhưng cũng để người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Vì đây là nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các đối tượng vi phạm nên việc thực hiện phải chuẩn mực, tránh áp dụng sai.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, để làm được như vậy cần công khai các công trình vi phạm, thông tin về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là MTTQ cấp tương thích và người dân giám sát, hỗ trợ cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật. Giải pháp xử lý quyết liệt này chắc chắn sẽ giúp việc bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ lâu, góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

“Cây gậy” pháp lý đủ mạnh

Trước đó, qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã xác định trên địa bàn Hà Nội có 10.494 công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Nhiều công trình vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước nên khó xử lý, tiến độ khắc phục chậm… Do đó, các chuyên gia pháp lý, chính quyền địa phương đều kỳ vọng Luật Thủ đô 2024 là cơ sở để các quận, huyện, phường, xã có “cây gậy” pháp lý đủ mạnh để xử lý triệt để công trình vi phạm.

Cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 19/11/2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP. Theo nghị quyết, có 8 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy sẽ buộc phải áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước: công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm; công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy… Người có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là Chủ tịch UBND các cấp nơi có công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh bị áp dụng biện pháp này.

Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngay từ những ngày đầu năm 2025, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn cho đại diện lãnh đạo UBND, phòng Tư pháp, trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường, công an phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và giải đáp các khó khăn vướng mắc, tình huống có thể phát sinh khi áp dụng nghị quyết.

Quận Hoàn Kiếm cũng đã đi đầu, tổ chức tập huấn cho Bí thư, Chủ tịch UBND quận; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, lãnh đạo và cán bộ công an quận, Công ty Điện lực, đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch; lãnh đạo và cán bộ công an phường; công chức tư pháp - hộ tịch; công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; công chức văn hóa - xã hội; chi hội trưởng chi hội luật gia; tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn.

Theo luật gia Lê Quang Vững, bên cạnh tuyên truyền, cần tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước theo đúng tinh thần của Luật Thủ đô 2024. Các đơn vị chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của nghị quyết đến các cá nhân, tổ chức để tạo được sự đồng thuận, thống nhất, kịp thời trong việc thực hiện.

Quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững Quản lý, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững
Quý Khánh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động