Thứ năm 08/05/2025 21:50
Luật Thủ đô 2024

Tạo tiền đề để Hà Nội có những quyết sách mạnh mẽ khai thác hiệu quả không gian ngầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Thủ đô 2024 tạo tiền để TP có những quyết sách mạnh mẽ trong việc xây dựng, mở rộng và khai thác hiệu quả không gian ngầm. Những nội dung mới của Luật Thủ đô 2024 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tạo tiền đề để Hà Nội có những quyết sách mạnh mẽ khai thác hiệu quả không gian ngầm
Khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Gỡ các “nút thắt” về quy hoạch không gian ngầm

Theo Bộ Xây Dựng, những năm gần đây nhu cầu về xây dựng công trình ngầm (giao thông ngầm, đầu mối kỹ thuật ngầm, phần ngầm công trình xây dựng trên mặt đất…) đang tăng mạnh do nhu cầu về phát triển đô thị, đặc biệt ở những đô thị lớn như Hà Nội. Hệ thống đường sắt đô thị được triển khai đòi hỏi phải sử dụng không gian ngầm để liên kết, kết hợp sử dụng không gian ngầm với không gian trên mặt đất, không gian trên cao cho phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.

Việc quản lý không gian ngầm hiện đang được thực hiện tại một số văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024, Luật Xây dựng 2014... Tuy nhiên, các pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ, cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm, chưa có quy định giới hạn quyền sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất.

Do đó, việc phát triển không gian ngầm trên địa bàn TP Hà Nội còn đang gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai xây dựng công trình ngầm. Ví dụ thời gian qua đã có những công trình ngầm hiện hữu ở một số khu vực, làm ảnh hưởng tới các hoạt động xây dựng khác, đặc biệt là các công trình đường sắt đô thị của TP Hà Nội khi đi ngầm qua khu vực đất thuộc quyền sử dụng của người dân; do các quy định pháp luật hiện tại chưa quy định rõ về quyền và nghĩa vụ sử dụng của người dân, tổ chức liên quan đến chiều sâu xây dựng công trình ngầm cũng như quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý công trình ngầm và lợi ích của Nhà nước và xã hội khi xây dựng công trình ngầm. Việc luật hóa các quy định quản lý, sử dụng không gian ngầm tại các TP lớn như Hà Nội rất cần thiết, để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Quá trình đô thị hóa đang khiến Hà Nội đối mặt với sự quá tải về hạ tầng giao thông và chất lượng môi trường. Do đó, phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Hà Nội có nhiều thuận lợi, là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt “Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND TP Hà Nội.

Để gỡ các “nút thắt” về quy hoạch không gian ngầm, Điều 19, Luật Thủ đô 2024 quy định rõ về quản lý, sử dụng không gian ngầm. Cụ thể: việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc, dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm kết nối đồng bộ với không gian trên mặt đất và các không gian xây dựng công trình ngầm có liên quan.

Việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn TP được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Luật Thủ đô 2024 giao Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng (khoản 3 Điều 19).

TS. Nguyễn Công Giang, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đang đối mặt với thách thức trong việc quản lý và sử dụng không gian ngầm trong bối cảnh đô thị ngày càng phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của không gian ngầm đô thị là tiêu chí cần thiết để đo lường mức độ hiện đại hóa của TP Hà Nội và là xu hướng tất yếu của phát triển đô thị.

Để xây dựng Hà Nội trở thành một TP ngày một hiện đại, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thúc đẩy quy hoạch khoa học, sử dụng hợp lý và quản lý tỉ mỉ tài nguyên không gian dưới lòng đất bằng những nỗ lực cụ thể, đồng thời xây dựng quản lý không gian ngầm chất lượng cao.

Phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích

Nhiều chuyên gia cho rằng việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, như: nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, phát triển thị trường bất động sản ngầm; góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô 2024 là rất cần thiết, để tháo gỡ các nút thắt; quy hoạch sử dụng không gian ngầm một cách toàn diện và chi tiết nhằm đạt được hiệu quả xây dựng - đăng ký - vận hành, kết nối đồng bộ không gian ngầm với không gian trên mặt đất.

Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, không gian ngầm có thể khai thác theo ba lớp: lớp nông (0-5m) cho các hạ tầng kỹ thuật, lớp trung bình (5-15m) cho công trình công cộng và bãi đỗ xe, và lớp sâu (15-30m) cho các hệ thống giao thông ngầm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm nhằm giảm tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, hiện nay, ở một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó.

Tương tự trong đô thị trung tâm của TP, sau này cải tạo những khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công… bắt buộc phải cải tạo như thế, biến khu vực đó thành một TP ngầm trong tương lai. Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. TP hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân.

Những TP ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông một cách đồng bộ, có đường sắt đô thị chạy qua, rất thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm; qua đó sẽ thu hút, hấp dẫn người dân đến sinh sống.

Trao thêm quyền hạn cho Thủ đô trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm Trao thêm quyền hạn cho Thủ đô trong việc xử lý công trình xây dựng vi phạm
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động