Đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác công tư lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác công tư lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ
Đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác công tư lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ. Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược; hạ tầng số mới, dịch vụ số mới, dữ liệu; đào tạo nhân lực công nghệ số tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự thảo nêu rõ, đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh các công nghệ chiến lược thuộc danh mục công nghệ chiến lược, danh mục công nghệ cao, danh mục chuyển giao công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành (bao gồm cả các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm và phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia).

Đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh hạ tầng, nền tảng số gồm: a) Hạ tầng số theo quy định tại Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 của Chính phủ phê duyệt chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; b) Nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung nhằm tạo ra dữ liệu mở và chia sẻ, cho phép kết nối và chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước hoặc giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân; c) Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ, ngành, địa phương, sàn giao dịch công nghệ, sản giao dịch dữ liệu; sản giao dịch khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; d) Hệ thống quản lý đô thị thông minh; hệ thống giám sát và an ninh thông minh, hệ thống chính phủ số; đ) Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ số, công nghệ chiến lược, các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ nghiên cứu và phát triển, đào tạo; các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, trung tâm tính toán hiệu năng cao, cơ sở đo kiểm, thử nghiệm, đánh giá sản phẩm dịch vụ công nghệ số; e) Các hạ tầng số mới, dịch vụ số mới, dữ liệu khác.

Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh công nghệ, dịch vụ, hạ tầng, hệ thống khác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng một hoặc kết hợp các loại hợp đồng PPP theo quy định tại Điều 45 của Luật PPP để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định nêu trên (gọi là dự án PPP).

Các dự án PPP quy định tại Nghị quyết được áp dụng một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm đầu tư của Nhà nước như sau:

Được áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP là 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chỉ trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm. Vốn Nhà nước quy định tại khoản này được cân đối và bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Dự án PPP có thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được cấp kinh phí từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc cấp kinh phí từ các quỹ này thực hiện theo cơ chế quy định tại Điều 7 Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15.

Áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu đối với dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định tại Điều 82 của Luật PPP. Trong 3 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh, cho phép áp dụng mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm giữa doanh thu thực tế và doanh thu trong phương án tài chính khi doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu trong phương án tài chính. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu tại khoản này được áp dụng khi dự án PPP đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật PPP.

Được áp dụng quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi doanh thu thực tế thấp hơn 50% doanh thu trong phương án tài chính theo yêu cầu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được chi trả toàn bộ kinh phí đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và các chi phí vận hành hợp pháp.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với nguồn thu từ dự án, hoạt động hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đề xuất phụ nữ sinh 2 con ở khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ về nhà ở xã hội
Đề xuất giao Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước
Bộ Y tế đề xuất thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm thực phẩm chức năng

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.