Đề xuất giao Chính phủ hướng dẫn áp dụng cơ chế sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ đành giá cao việc Quốc hội bàn, thảo luận và sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đánh giá cao sự cầu thị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã giải trình, tiếp thu những ý kiến thẩm tra, ý kiến của các địa phương, những đối tượng tác động.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đây là một luật khó, phải thực hiện giữa kiểm soát với kiến tạo trong phân bổ nguồn lực. "Với tâm thế nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng ngân sách, tôi vẫn kiên trì đề xuất thời gian tới, chúng ta phải có cách thức để phân bổ ngân sách theo đầu ra. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc chúng ta chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước cử tri về phân bổ nguồn lực quan trọng này" - đại biểu Thanh Mai đề xuất.
Đối với một số nội dung cụ thể, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội góp ý về dự phòng ngân sách Nhà nước. Theo đó, tại điểm a khoản 2 của dự thảo Luật quy định “sử dụng dự phòng ngân sách để chia sẻ phần giảm doanh thu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư”. Quy định này để xử lý những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26/5. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, để thống nhất cách triển khai - nhất là khi các cơ quan quyết định thực hiện việc sử dụng ngân sách dự phòng này, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề nghị, phải giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, trường hợp được áp dụng cơ chế sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước để bảo đảm tăng cường trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch, giám sát của hệ thống dân cử đối với quyết định sử dụng dự phòng ngân sách.
Đối với quy định “sử dụng dự phòng ngân sách để hỗ trợ ngân sách cấp dưới trong các trường hợp khẩn cấp” tại điểm b khoản 2 của dự thảo Luật, đại biểu đề xuất sửa lại nội dung quy định về "nhiệm vụ khác" như sau: “Dự phòng ngân sách Nhà nước sử dụng để chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng 50% dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu”.
Đại biểu Thanh Mai nhấn mạnh, nội dung sửa đổi này để tránh việc trông chờ, ỷ lại và cũng là nội dung thuộc trách nhiệm nhiệm vụ chi của cấp dưới. Điều này rất cần thiết để đảm bảo địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, nữ đại biểu đoàn TP Hà Nội cho biết rất quan tâm đến nội dung cấp nào quyết định thì cấp đó điều chỉnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình sau phần thảo luận sáng 26/5. Ảnh: Quochoi.vn |
Khẳng định phương án cần phải linh hoạt, đảm bảo phân cấp, phân quyền rõ ràng và chịu trách nhiệm đến cùng về quyết định của mình, nhưng đại biểu đề nghị, để đảm bảo trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân đối với hệ thống dân cử là phân bổ nguồn lực, chúng ta cần cân nhắc một cách thận trọng và kỹ lưỡng hơn nữa về những trường hợp điều chỉnh ngân sách do không phải là hệ thống cơ quan dân cử, Quốc hội hay HĐND các cấp.
"Chúng tôi xin đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến này của các đại biểu để báo cáo một lần nữa với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chúng ta có được những phân định giữa kiểm soát quyền lực và thực hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương" - đại biểu Thanh Mai đề xuất.
Về xử lý thu, chi ngân sách Nhà nước cuối năm, tại khoản 3 điều 63 có những nội dung liên quan đến chuyển nguồn, đại biểu Đoàn TP Hà Nội cho rằng hiện nay chuyển nguồn rất lớn. Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo về quyết toán ngân sách cho thấy, năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 39% tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước), rất đáng lo ngại về tính sử dụng hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về chuyền nguồn ngân sách để tránh vướng mắc. Cần có phương án xử lý cụ thể với trường hợp khoản dự toán ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho ngân sách địa phương trước ngày 30/9 nhưng UBND cấp tỉnh giao bổ sung cho đơn vị cấp dưới. Những nội dung khác do thời gian có hạn sẽ xin chuyển chi tiết đến các cơ quan có thẩm quyền.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại