Đề xuất phụ nữ sinh 2 con ở khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ về nhà ở xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đề xuất phụ nữ sinh 2 con ở khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ về nhà ở xã hội. Ảnh minh họa |
Dự thảo luật đề xuất quy định quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; các biện pháp về duy trì mức sinh thay thế.
Cụ thể, dự thảo đề xuất cho phép cặp vợ chồng, cá nhân quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh (khác với Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2008).
Đề xuất quy định biện pháp duy trì mức sinh thay thế gồm:
- Định kỳ Chính phủ công bố tình trạng mức sinh để chính quyền địa phương xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp. Trường hợp mức sinh của một số địa phương xuống mức rất thấp, Chính phủ báo cáo, đề xuất với Quốc hội có biện pháp can thiệp kịp thời;
- Cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng (sửa đổi khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019; các trường hợp khác áp dụng theo quy định hiện hành);
- Cho phép phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ (bổ sung đối tượng này vào Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023);
- Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp cho nam nữ trước khi kết hôn các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản liên quan trực tiếp đến cuộc sống vợ chồng; chăm sóc, nuôi dạy con; củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt và tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh vô sinh.
- Lồng ghép các nội dung về duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hoá gia đình trong xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
- Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình và xã hội trong việc thực hiện chính sách dân số; thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế.
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Dự thảo luật đề xuất quy định về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên:
Tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức của Pháp lệnh Dân số. Định kỳ Chính phủ công bố các tỉnh, thành phố mất cân bằng giới tính khi sinh ở các mức rất cao, cao và ở mức cân bằng tự nhiên. Quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về dân số lên mức là 100.000.000 đồng; sẽ phải sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đưa các nội dung về xóa bỏ phân biệt, định kiến giới, trọng nam hơn nữ, kỳ thị con gái hoặc con trai.
Dự thảo luật đưa ra các chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số như:
Xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc tập trung; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chăm sóc người cao tuổi, bao gồm: cấp học bổng, hỗ trợ học phí đối với người học chuyên ngành lão khoa; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chăm sóc người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học.
Mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách Nhà nước đóng. Lồng ghép các nội dung biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già vào kế hoạch của quốc gia, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương; lồng ghép nội dung thích ứng với già hóa dân số, dân số già khi xây dựng và thực hiện chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội. Tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về thích ứng với già hóa dân số, dân số già.
Quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số
Dự thảo luật đề xuất quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, các biện pháp thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn như:
- Quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở có trách nhiệm thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
- Đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
- Quy định các bệnh bắt buộc phải tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Các biện pháp thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh như:
- Quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa sản, nhi phải cung cấp dịch vụ tư vấn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; khuyến khích các bà mẹ mang thai thực hiện tầm soát, chuẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh. Trừ trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện bắt buộc theo khoản 2 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình.
- Đối tượng chính sách, người dân sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thực hiện tầm soát, chuẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh.
- Quy định các bệnh bắt buộc phải sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Bên cạnh đó, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước đóng; kế thừa các biện pháp xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh của Pháp lệnh Dân số; tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về nâng cao chất lượng dân số.
Ngoài ra, dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm y tế...

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại