Biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ nhiều thành phố châu Âu tăng đột biến

Nhiệt độ tại nhiều thành phố châu Âu đã tăng thêm từ 2 đến 4 độ C do biến đổi khí hậu, biến các đợt nắng nóng thành “mối đe dọa thầm lặng” sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ và cư dân đô thị.
Biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ nhiều thành phố châu Âu tăng đột biến
Châu Âu ghi nhận mức nhiệt cao bất thường trong thời gian vừa qua.

Một nghiên cứu mới được công bố bởi Viện Nghiên cứu Khí hậu châu Âu Copernicus đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính khiến các đô thị ở châu Âu nóng lên nhanh chóng. Trong giai đoạn từ 23/6 đến 2/7, nhiệt độ tại 12 thành phố được khảo sát đã tăng cao bất thường, có nơi vượt ngưỡng 40 độ C, khiến nhiều nơi phải phát cảnh báo khẩn cấp về y tế và đóng cửa trường học, điểm du lịch.

Nghiên cứu cho thấy nếu không có ảnh hưởng từ hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhiệt độ tại các thành phố này trong đợt nóng đầu mùa Hè lẽ ra có thể thấp hơn từ 2 đến 4 độ C. Sự gia tăng nhiệt này không chỉ gây cảm giác oi bức mà còn tăng nguy cơ tử vong liên quan đến nắng nóng.

Ước tính trong 10 ngày cao điểm, có khoảng 2.300 người tử vong do nắng nóng tại 12 thành phố được khảo sát. Đáng chú ý, hơn 1.500 ca tử vong có thể đã tránh được nếu không có tác động của biến đổi khí hậu.

Không chỉ ban ngày nắng gắt, "đêm nhiệt đới" – hiện tượng nhiệt độ ban đêm không giảm xuống mức đủ mát cũng đang xuất hiện phổ biến ở miền Nam châu Âu. Điều này khiến cơ thể con người không có cơ hội phục hồi, đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính.

Bên cạnh đó, hiệu ứng đô thị với các bề mặt bê tông, mặt đường nhựa và nhà cao tầng hấp thụ nhiệt tạo thành "bản đồ nhiệt khổng lồ", làm tăng thêm mức độ nguy hiểm từ các đợt nóng.

Cùng thời điểm, nhiệt độ bề mặt biển Địa Trung Hải cũng ghi nhận mức cao chưa từng thấy, có nơi cao hơn trung bình 5 độ C, chạm mốc 27 độ C vào ngày 30/6. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng làm mát tự nhiên của khu vực vào ban đêm, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Trên quy mô toàn cầu, Copernicus cho biết ít nhất 790 triệu người đã phải chịu đựng nắng nóng kỷ lục trong tháng Sáu vừa qua, với nhiều trạm khí tượng ở Mỹ và Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Đây là tháng Sáu nóng thứ ba trong lịch sử, chỉ sau năm 2023 và 2024.

Hệ quả của nhiệt độ tăng cao không chỉ dừng lại ở các ca tử vong mà còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực. Tháng Sáu chứng kiến nhiều vụ cháy rừng dữ dội tại Canada và Nam Âu, trong khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại Nam Phi, Trung Quốc và Pakistan, những minh chứng rõ ràng cho hệ lụy của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động mạnh mẽ trong việc giảm khí thải nhà kính và đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, không gian xanh và công nghệ làm mát, châu Âu và toàn thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với các mùa Hè khắc nghiệt và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Sông băng tan nhanh chưa từng có: 2 tỷ người đối mặt với khủng hoảng Sông băng tan nhanh chưa từng có: 2 tỷ người đối mặt với khủng hoảng
Cháy rừng trở thành nguyên nhân chính hủy diệt rừng nhiệt đới toàn cầu Cháy rừng trở thành nguyên nhân chính hủy diệt rừng nhiệt đới toàn cầu
Nắng nóng kỷ lục lên tới 46 độ C thiêu đốt miền Nam Tây Ban Nha Nắng nóng kỷ lục lên tới 46 độ C thiêu đốt miền Nam Tây Ban Nha

Linh San

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.