Sông băng tan nhanh chưa từng có: 2 tỷ người đối mặt với khủng hoảng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Băng tan đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu. Ảnh: Getty |
Trong báo cáo mới nhất, UNESCO phát đi cảnh báo khẩn cấp, sông băng toàn cầu đang tan chảy với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Chỉ riêng trong năm 2024, trên 450 tỷ tấn băng đã biến mất, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thế giới ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục.
Đây không chỉ là vấn đề của thiên nhiên, mà là mối đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của hơn 2 tỷ người, những người đang phụ thuộc vào nguồn nước ngọt từ băng tuyết tại các khu vực núi cao như Himalaya, Hindu Kush hay Andes.
Chuyên gia Antje Boetius từ Viện Alfred Wegener (Đức) nhấn mạnh: “Mỗi tấn khí CO2 thải ra là một bước thụt lùi trong nỗ lực cứu lấy sông băng và những cộng đồng sống nhờ nó. Nếu không hành động ngay, hậu quả sẽ không thể cứu vãn.”
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra hệ quả nặng nề. Không chỉ mất đi nguồn nước sinh hoạt, các cộng đồng nông nghiệp tại vùng núi cao còn đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Tại Pakistan, nơi giao thoa của ba dãy núi lớn Hindu Kush, Karakoram và Himalaya, người dân vẫn sống trong nỗi ám ảnh lũ băng.
Theo Tổ chức Giám sát Sông băng Thế giới, từ năm 2000 đến 2023, băng tan đã khiến mực nước biển toàn cầu tăng thêm 18 mm – tương đương khoảng 1 mm mỗi năm. Điều này có thể khiến 300.000 người đối mặt với nguy cơ ngập lụt mỗi năm.
Ông Matthias Huss, nhà khoa học tại Đại học Zurich, cảnh báo: “Dù chỉ vài milimet, nước biển dâng cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi kết hợp với triều cường và mưa lũ. Đây là bài toán dài hạn mà nhân loại cần giải quyết từ hôm nay.”
Bên cạnh đó, WMO cũng công bố dữ liệu cho thấy hai phần ba diện tích đất nông nghiệp có tưới tiêu trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Hơn 1 tỷ người sống tại vùng núi cao, phần lớn ở các quốc gia đang phát triển, đang đứng bên bờ vực mất an ninh lương thực.
“Không chỉ vài triệu người, mà là hàng trăm triệu người tại khu vực Himalaya đang chịu tác động trực tiếp. Và trong một thế giới kết nối, gần như tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp”, Stefan Uhlenbrook, chuyên gia về nước và băng quyển của WMO khẳng định.
Trước tình trạng cấp bách này, Liên Hợp quốc đã tuyên bố năm 2025 là "Năm Quốc tế bảo tồn sông băng", nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động cụ thể để ngăn chặn tốc độ tan băng đang tăng vọt.
Đây là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, không chỉ dành cho các quốc gia vùng núi, mà cho cả thế giới – nơi mọi nguồn nước, khí hậu và an ninh sinh kế đều có liên kết chặt chẽ với những khối băng đang dần biến mất trên hành tinh này.
Nam Cực đối mặt với "sóng thần băng" do băng tan | |
Châu Á đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng từ hiện tượng tan băng toàn cầu |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại