![]() |
Du khách tham quan làng lụa Vạn Phúc (phường Hà Đông, Hà Nội). |
Làng nghề Hà Nội giàu tiềm năng, mạnh tinh thần đổi mới
Hội nhập không chỉ là bài toán về thương mại, mà còn là hành trình khẳng định giá trị văn hóa dân tộc trên bản đồ sản phẩm toàn cầu. Từ những chính sách thiết thực đến các mô hình thành công như sản phẩm OCOP Hà Nội vươn ra thị trường quốc tế, có thể thấy con đường hội nhập của làng nghề Việt đang dần rõ nét và bền vững hơn.
Một trong những sự kiện mang tính chiến lược để thúc đẩy hội nhập làng nghề trong năm 2025 là Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề quốc tế, dự kiến tổ chức từ ngày 14 đến 18/11 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là sự kiện do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, với quy mô quốc tế và chuỗi hoạt động trải dài từ tháng 9 đến tháng 11/2025.
Thông qua việc kết nối với các tổ chức nghề truyền thống và đối tác quốc tế, Festival năm nay cũng hướng đến mục tiêu thúc đẩy hội nhập sâu rộng, đưa sản phẩm làng nghề Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn văn hóa nghề truyền thống trong bối cảnh phát triển bền vững.
Hà Nội là địa phương có hệ thống làng nghề phong phú nhất cả nước với hơn 1.350 làng có nghề, trong đó gần 300 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Các làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuyên Mỹ, sơn mài Hạ Thái… không chỉ giữ lại hồn cốt nghề cổ, mà còn liên tục đổi mới, thích ứng với thị trường hiện đại.
Với chính sách phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Hà Nội đã tạo động lực lớn cho các làng nghề trong đổi mới mẫu mã, đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu. Tính đến năm 2024, Hà Nội có hơn 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, dệt may, mây tre đan, sơn mài đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các thị trường tiềm năng khác.
![]() |
Lụa Vạn Phúc đã khẳng định thương hiệu qua sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên. |
Những sản phẩm OCOP xuất khẩu tiêu biểu
Sản phẩm OCOP từ làng gốm Bát Tràng (xã Gia Lâm) từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Nhờ đầu tư bài bản về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và phù hợp thị hiếu quốc tế, gốm Bát Tràng đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Các doanh nghiệp như Hữu Nghị Bát Tràng, Minh Long 1, Gốm sứ Quang Vinh... là những đơn vị tiên phong trong xuất khẩu.
Sản phẩm mây tre đan OCOP của làng Phú Vinh (Chương Mỹ cũ) không chỉ được đánh giá cao tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ổn định sang các nước châu Âu, Trung Đông. Các nghệ nhân đã hợp tác với các nhà thiết kế trẻ để tạo ra sản phẩm nội thất, trang trí mang tính ứng dụng cao, phù hợp không gian sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét thủ công truyền thống.
Làng lụa Vạn Phúc (phường Hà Đông) đã khẳng định thương hiệu qua sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi số và xây dựng kênh phân phối qua nền tảng thương mại điện tử, các sản phẩm lụa cao cấp đã có mặt trên Amazon, Etsy… góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không qua trung gian.
Làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín cũ) đã đưa các sản phẩm OCOP của mình vào chuỗi cung ứng hàng thủ công cao cấp. Với công nghệ phủ bóng, kiểm soát màu sắc chuẩn quốc tế và mẫu mã phong cách châu Á hiện đại, sơn mài Hạ Thái hiện có đơn hàng thường xuyên sang Hàn Quốc, Đức, Pháp.
Việc các sản phẩm OCOP làng nghề của Hà Nội từng bước hiện diện ở thị trường nước ngoài không chỉ là thành công về mặt thương mại, mà còn là minh chứng rõ ràng cho khả năng hội nhập văn hóa một cách có bản sắc. Hội nhập ở đây không phải đánh đổi truyền thống để lấy hiện đại, mà là biết giữ lại tinh hoa, đồng thời nâng tầm thiết kế, bao bì, chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy hội nhập bền vững, làng nghề Việt cần chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, FSC, FDA…), đồng thời xây dựng thương hiệu địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
Song song với đó, việc ứng dụng chuyển đổi số từ sản xuất, quản lý đến tiếp thị sản phẩm cũng giúp thúc đẩy liên kết giữa nghệ nhân, doanh nghiệp, nhà thiết kế với các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, làng nghề Việt tích cực tham gia mạnh mẽ các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ các sự kiện lớn như Festival làng nghề, các hội chợ quốc tế về thủ công mỹ nghệ, du lịch, văn hóa sáng tạo.
Hội nhập quốc tế không làm mất đi hồn cốt văn hóa làng nghề, trái lại, chính sự khác biệt bản sắc sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của sản phẩm thủ công Việt trên thị trường thế giới. Mỗi sản phẩm – từ chiếc bình gốm, tấm lụa, tranh sơn mài hay giỏ mây đan – đều là một câu chuyện văn hóa, mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Làng nghề Việt đang đứng trước cơ hội bước vào kỷ nguyên hội nhập không chỉ bằng sản phẩm, mà bằng chính giá trị văn hóa bền vững của dân tộc.
![]() | Hà Nội tiên phong lan tỏa giá trị nông sản và tinh hoa làng nghề Việt |
![]() | Phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP |
![]() | Sản phẩm OCOP thúc đẩy làng nghề Hà Nội phát triển bền vững |
Vân Lê
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thuc-day-hoi-nhap-quoc-te-cho-lang-nghe-truyen-thong-o-ha-noi-424823.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.