Phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh. Ảnh minh họa |
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp huyện đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (OCOP cấp quốc gia). Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay gồm 2 cấp (tỉnh và xã), một số quy định trong Bộ tiêu chí OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg đã không còn phù hợp.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg để phù hợp mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương.
Trong đó, Quyết định số 1489/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh để tạo sự ổn định và tránh xáo trộn trong quá trình thực hiện.
Như vậy, từ nay công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ chỉ còn hai cấp: cấp tỉnh và cấp Trung ương.
Dù không còn thẩm quyền đánh giá, cấp xã vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình xét chọn sản phẩm OCOP. Theo quy định mới, UBND cấp xã có nhiệm vụ tổ chức đánh giá một số nội dung ban đầu trong hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, cụ thể gồm:
- Nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu địa phương;
- Việc sử dụng lao động tại chỗ;
- Bản sắc văn hóa, trí tuệ địa phương;
- Ý tưởng và câu chuyện sản phẩm gắn với vùng đất.
Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ tổ chức họp các bộ phận liên quan để lấy ý kiến, sau đó lập báo cáo đánh giá và gửi văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Với sự điều chỉnh mới, UBND cấp tỉnh là đơn vị có thẩm quyền đánh giá và phê duyệt các sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Quy trình thực hiện gồm:
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh, cùng tổ tư vấn và ban hành Quy chế hoạt động;
- Hội đồng cấp tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ, đánh giá và phân hạng các sản phẩm do cấp xã đề xuất;
- UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc sản phẩm không đạt yêu cầu, UBND tỉnh sẽ gửi văn bản trả lời kèm hồ sơ về lại UBND cấp xã để hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện.
Đối với những sản phẩm đạt từ 90 đến 100 điểm, UBND cấp tỉnh sẽ chuyển hồ sơ lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đánh giá, phân hạng ở cấp quốc gia.
Ở cấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia, đồng thời phê duyệt kết quả và cấp Giấy chứng nhận cho những sản phẩm đạt 5 sao, tức sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong trường hợp sản phẩm không đạt 5 sao nhưng vẫn đạt từ 70 đến dưới 90 điểm, Hội đồng Trung ương sẽ trả kết quả đánh giá về cho UBND tỉnh. Căn cứ kết quả này, UBND tỉnh có thể công nhận sản phẩm 4 sao, nếu phù hợp, hoặc tổ chức đánh giá lại theo thẩm quyền.
Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá lại theo quy định.
![]() | Gìn giữ bản sắc, tinh hoa làng nghề Hà Nội qua các sản phẩm OCOP |
![]() | Bảo tồn văn hóa làng nghề qua sản phẩm OCOP của Hà Nội |
![]() | Hà Nội tiên phong lan tỏa giá trị nông sản và tinh hoa làng nghề Việt |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại