Bài 1: Để có thể học trực tuyến, trẻ phải có những kỹ năng nhất định
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCon gái út năm nay vào lớp 1, chị Nguyễn Thanh Nga (Đống Đa, Hà Nội) trăn trở suốt cả tuần nay. Không như các anh, các chị của bé út, vì dịch giã, chị Nga cũng không có điều kiện để cho con quen mặt chữ trước khi nhập học. “Từ đầu năm đến giờ, tính ra bọn trẻ con mới chỉ học trọn vẹn được 2 tháng, còn đâu 6 tháng không nghỉ Tết, nghỉ lễ thì cũng nghỉ dịch. Tính từ 1 – 5 đến giờ, con bé út cũng đã ở nhà 4 tháng trời, chúng tôi cứ dần dà hy vọng dịch mau ổn để con đến lớp để được làm quen với mặt chữ trước khi vào lớp 1… Nhưng rồi niềm hy vọng cứ xa dần, cho đến còn mấy ngày nữa vào năm mà chuyện học chữ vẫn cứ xa vời vợi” – chị Nga nói.
Không phải ai cũng có điều kiện để thuê riêng giáo viên để dạy con quen mặt chữ, chị Nga cho biết, kinh nghiệm từ các con lớn đi trước cho thấy, việc chưa quen mặt chữ sẽ khiến bé út học sẽ rất vất vả. Chị Nga cho rằng với lượng kiến thức của lớp 1 bây giờ, nếu như không học trước, việc tiếp thu và đuổi kịp chương trình sẽ khiến bọn trẻ cực kỳ vất vả. Điều chị lo ngại, đó là sợ con gái vì áp lực, vì không tiếp thu kịp kiến thức sẽ nản chí.
Trẻ lớp 1 sẽ xoay xở thế nào khi học trực tuyến. Ảnh minh họa |
Ngoài nỗi lo ấy, cái chị cảm thấy phiền muộn nhiều hơn, đó là việc học trực tuyến. Theo chị, bọn trẻ mới rời trường mẫu giáo, chúng thiếu rất nhiều kỹ năng, có những trẻ còn chưa đủ lớn để mà có thể tập trung một thời gian dài vào một vấn đề nào đó. Học tập trung có sự giám sát liên tục của giáo viên nhiều trò còn khốn khổ để có thể tập trung vào bài giảng, huống hồ chuyện học online.
Cùng quan điểm như chị Nga, chị Phan Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) không biết rồi “sinh viên lớp 1” của nhà chị tới đây sẽ xoay xở thế nào khi không phải đến lớp. “Lớp 1 là tiền đề rất quan trọng với lũ trẻ. Ở đó chúng bắt đầu làm quen với nề nếp, với lối sinh hoạt mới, với bạn bè và các thói quen mới. Cũng ở đó, chúng phải ý thức được việc học tập là nhiệm vụ trung tâm… Vậy liệu việc học online có thể giúp trẻ nhận thức được việc đó.” – chị Huyền nói. Bởi theo chị, trong tình hình dịch giã như hiện nay, việc học trực tuyến có thể kéo dài đến 1 vài tháng.
Ngoài ra chị còn e ngại, việc học lớp 1 khi học tập trung vốn các giáo viên đã rất vất vả với học sinh. Vất vả từ những việc nhỏ nhất như cầm bút thế nào, viết trên vở ra sao, ngoài việc kèm cặp việc học các cô còn phải dần rèn các con vào nếp. Vậy khi học trực tuyến, các cô sẽ giám sát học trò thế nào, có camera nào để cô nhìn từng học trò để biết các con tư thế cầm bút, nét chữ đúng hay sai để mà nắn.
“Học trực tuyến trong tình hình này là phương án bắt buộc, thế nhưng để thực hiện được việc ấy, ngoài phương tiện, các con phải có một trình độ nhất định. Trước giờ quan điểm của tôi là khi còn bé hạn chế tối đa bọn trẻ con dùng điện thoại, xem tivi… giờ trường kỳ ôm máy tính, chúng sẽ phải xoay xở thế nào. Làm sao để bắt một đứa trẻ đang quen nết ăn, nết chơi là chính giờ phải ngồi im hàng tiếng đồng hồ để học qua màn hình máy tính… Phải chăng con học, gia đình lại phải cắt cứ một “nhân công” để kè kè hướng dẫn và điều chỉnh tất cả những hành vi, xử lý tất cả những vấn đề xung quanh cái việc học online để mà con có thể bắt kịp chương trình mới.” – chị Nga e ngại.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại