Thứ sáu 24/01/2025 04:03
Tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng:

Bài 1: Góp phần vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng…
-	Điểm cầu Hà Nội tham gia Hội nghị trực tuyến Tổng kết thi hành Luật Công chứng
Điểm cầu Hà Nội tham gia Hội nghị trực tuyến Tổng kết thi hành Luật Công chứng

Phát triển cả về số lượng và chất lượng

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Ngay sau khi được Quốc hội ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 01-10-2014 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng, các công văn hướng dẫn, đôn đốc địa phương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thực hiện.

Việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng công chứng viên được coi trọng và đạt kết quả. Tính đến ngày 31-12-2019, cả nước có 2.782 công chứng viên. So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 2.157 người. Các công chứng viên được bổ nhiệm theo Luật Công chứng năm 2014 đều có trình độ cử nhân luật trở lên;

Việc hành nghề của các công chứng viên cơ bản bảo đảm tuân thủ pháp luật…

Số lượng tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) tiếp tục phát triển. Tính đến ngày 31-12-2019, cả nước có 1.151 TCHNCC. So với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006 tăng 526 tổ chức, tăng gần 02 lần.

Hiện nay, 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Toàn bộ các Văn phòng công chứng được chuyển đổi, thành lập mới theo loại hình Cty hợp danh thay vì hoạt động theo loại hình DN tư nhân như thời kỳ thực hiện Luật Công chứng năm 2006.

Chủ trương về tinh gọn đơn vị sự nghiệp gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai trong hoạt động công chứng bước đầu có kết quả.

Trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các TCHNCC trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.

Hoàn thành việc xây dựng CSDL thông tin về công chứng

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về công chứng theo quy định của Luật Công chứng, tính đến ngày 30-6-2021, cả nước có khoảng 47/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng CSDL thông tin về công chứng, chiếm tỷ lệ khoảng 75%.

Hầu hết các TCHNCC đều tham gia, cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về hợp đồng, giao dịch đã công chứng tại tổ chức mình vào CSDL chung. Sở Tư pháp cũng thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến công chứng được chú trọng. Công tác phân cấp và cải cách TTHC trong hoạt động công chứng được đẩy mạnh. Luật Công chứng đã phân cấp cho UBND, Sở Tư pháp một số nhiệm vụ nhằm phát huy hơn nữa tính sáng tạo, tự chủ của địa phương. TTHC trong lĩnh vực công chứng cũng được cải cách theo hướng minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện hơn.

Các nội dung liên quan đến quyền lợi của người dân đều được mẫu hóa thông qua các mẫu tờ khai, mẫu đơn. Trình tự, cách thức giải quyết thủ tục, phí và thù lao công chứng, phí chứng thực đều được công khai, minh bạch.

Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đều đã công bố bộ TTHC ở cấp Trung ương và cấp tỉnh thuộc phạm vi lĩnh vực công chứng. Đồng thời thường xuyên thực hiện việc rà soát công bố TTHC, cắt giảm TTHC không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện thủ tục.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước cũng được các địa phương triển khai, theo đó triển khai phần mềm quản lý hồ sơ về công chứng, cơ sở dữ liệu công chứng, phần mềm quản lý TCHNCC...

(Còn nữa)

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động