Thứ hai 03/02/2025 04:04

Bất thường ở công trình kè chống sạt trượt cầu Cẩm Trạch: Kỳ 2 - Tiền nhà nước trôi tuột xuống sông!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Công trình có mục đích chống sạt trượt thượng lưu và hạ lưu cầu Cẩm Trạch đã “sạt lở” ngay khi chưa kịp hoàn thành, khiến hơn 7 tỷ đồng trôi sông, đây là "điển hình" của việc tiền nhà nước trôi tuột xuống sông mà không "ông" nào đứng ra nhận trách nhiệm. Phải chăng vì thế mà chủ đầu tư “vòng vèo” trì hoãn, né tránh cung cấp thông tin cho báo chí.       

Hiểm họa rình rập người dân

Công trình kè chống sạt trượt thượng lưu hạ lưu cầu Cẩm Trạch do Sở GTVT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với dự toán kinh phí hơn 7 tỷ đồng, không thể hoàn thành như "lời hẹn”, đến nay gần như mất hút không còn dấu tích.

bat thuong o cong trinh ke chong sat truot cau cam trach ky 2 dao sac khong got duoc chuoi
Kè chống sạt trượt thượng lưu và hạ lưu cầu Cẩm Trạch, hiện đã "biến mất" rất khó để tìm ra dấu vết công trình.

Thực tế cho thấy công trình rơi vào tình cảnh “dao sắc không gọt được chuôi”, bởi lẽ việc xây hạng mục công trình tại cầu Cẩm Trạch, sông Bến Tre nhằm mục đích chống sạt lở khu vực thượng và hạ lưu cầu. Nhưng oái oăm thay, công trình hiện đã trong tình cảnh “sạt lở tan tành”, không giữ được an toàn cho chính bản thân nó, mà thậm chí quá trình thi công thực hiện dự án, cũng khiến cư dân khu vực lân cận “kêu trời” vì đất đai vườn tược của họ sạt lở trôi sông, nhiều hạng mục công trình nứt vỡ đe dọa an toàn.

bat thuong o cong trinh ke chong sat truot cau cam trach ky 2 dao sac khong got duoc chuoi
Ông Lê Ngọc Quỳnh chỉ vào những vết nứt toác, xuất hiện ở căn nhà vốn được xây dựng kiên cố. Cả gia đình ông hiện vẫn đang ngày ngày đối mặt với lo lắng hiểm nguy.

PV báo PL&XH đã có mặt tại gia đình ông Lê Ngọc Quỳnh, trú tại xã Đạo Tú, tận mắt chứng kiến hiểm nguy mà các cư dân đang phải đối mặt. Căn nhà của ông Lê Ngọc Quỳnh vốn được xây dựng kiên cố bề thế, nay đã bị nứt toác, tường và phía trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc kéo dài cả mét, những chỗ gắn kết giữa tường với trần nhiều chỗ tách rời nhau, khiến bất cứ ai trông thấy cũng rùng mình ái ngại cho tình cảnh những người dân đang phải tá túc trong căn nhà với hiểm nguy rình rập hàng ngày.

“Ba gia đình chúng tôi được UBND xã Đạo Tú cấp cho đất ở tại khu vực bờ sông Bến Tre từ năm 1993. Chúng tôi đã xây dựng nhà ở và các công trình phụ trên diện tích được cấp và sinh sống từ đó đến nay. Từ khi có dự án cải tạo sông Bến Tre, khiến sông bị thay đổi dòng chảy, sau đó đến thi công hạng mục công trình kè chống sạt trượt thượng lưu và hạ lưu cầu Cẩm Trạch, thì khu vực sinh sống của các hộ gia đình ở đây bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa an tòa của các cư dân. Chúng tôi đã làm đơn “kêu cứu” các cơ quan có thẩm quyền… nhưng đến nay sự việc vẫn không được cơ quan chức năng nào giải quyết”- ông Lê Ngọc Quỳnh ngậm ngùi nói.

bat thuong o cong trinh ke chong sat truot cau cam trach ky 2 dao sac khong got duoc chuoi
"Dấu vết" còn sót lại của hạng mục công trình kè chống sạt trượt cầu Cẩm Trạch.

Qua tìm hiểu PV báo PL&XH được biết, UBND xã Đạo Tú cũng từng có tờ trình “về việc đề nghị di dời các hộ bị sạt lở, thiệt hại do ảnh hưởng của công trình xây dựng cải tạo sông Bến Tre”, gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc; UBND huyện Tam Dương; Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc; Ban QLDA công trình cải tạo sông Bến Tre. Nội dung tờ trình cho biết, căn cứ biên bản xác minh thực tế, xác định 3 hộ bị sạt lở nghiêm trọng, cần có phương án di dời để đảm bảo an toàn gồm: Hộ ông Lê Ngọc Quỳnh; hộ ông Lê Văn Khiêm; hộ bà Đỗ Thị Phương.

Cụ thể mức độ thiệt hại, hộ ông Lê Ngọc Quỳnh diện tích chiều dài bị thiệt hại 13,6m; diện tích chiều rộng bị thiệt hại 13m (đến mép sân nhà); toàn bộ công trình trụ cổng đã sạt đổ xuống sông Bến Tre; tường rào và hệ thống nhà ngang đã bị rạn nứt nghiêm trọng. Hộ ông Lê Văn Khiêm mức độ thiệt hại còn rộng lớn hơn, diện tích chiều dài bị thiệt hại 35m; diện tích chiều rộng bị thiệt hại 13m; toàn bộ công trình tường rào và các loại cây lâu năm đã bị sạt, lún, nứt, đổ ngả ra phía mép bờ sông Bến Tre. Còn đối với hộ bà Đỗ Thị Phương, diện tích chiều dài bị thiệt hại được xác định là 20m; diện tích chiều rộng bị thiệt hại 5m; toàn bộ các loại cây lâu năm và phần diện tích đất của bà Phương đã bị lún, nứt và sạt lở ra mép bờ sông Bến Tre.

Vòng vèo, né tránh thông tin

Theo tài liệu PV báo PL&XH thu thập được, các đơn vị liên quan cũng có hỗ trợ 2 trường hợp (trong số 3 hộ) bị thiệt hại trên, mỗi hộ tổng cộng 6 triệu đồng. Cụ thể, tại “biên bản làm việc kiêm phiếu chi” lập ngày 5-7-2017 có nội dung: Ban QLDA công trình giao thông (do ông Nguyễn Trường Huy đại diện ký tên), cùng UBND xã Đạo Tú tiến hành hỗ trợ kinh phí cho hai hộ gia đình ông Lê Ngọc Quỳnh và ông Lê Văn Khiêm khu phố Bê Tông, xã Đạo Tú mỗi hộ nhận 6.000.000đ, để có kinh phí thuê nhà. Số tiền “hỗ trợ” này đã được Ban QLDA công trình giao thông Sở GTVT Vĩnh Phúc giao “đầy đủ”. Riêng đối với trường hợp bà Đỗ Thị Phương, dù cũng được xác định mức độ thiệt hại cụ thể như đối với hộ ông Quỳnh, ông Khiêm, nhưng bất ngờ là tại “biên bản hỗ trợ” này không hề nhắc tới.

Trước “thực trạng” oái oăm, bất thường mà hạng mục công trình kè chống sạt trượt thượng lưu hạ lưu cầu Cẩm Trạch đang vấp phải. Nhẽ ra cần công khai minh bạch để tìm cách khắc phục tháo gỡ, thì chủ đầu tư là Sở GTVT Vĩnh Phúc và Ban Quản lý dự án công trình giao thông của Sở lại có cách hành xử trì hoãn, né tránh cung cấp thông tin.

Mặc dù PV đã liên hệ đặt lịch làm việc theo đúng quy định, nhưng hết lần này đến lần khác lãnh đạo Sở GTVT đùn đẩy, né tránh làm việc. Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét làm rõ những “bất thường” tại hạng mục công trình quan trọng này.

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động