Thứ hai 03/02/2025 06:04
Chuẩn bị chương trình GDPT mới:

Bồi dưỡng giáo viên thông qua hình thức trực tuyến với nhiều hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ GD&ĐT đang tổ chức bồi dưỡng trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới cho hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học tại 63 tỉnh thành phố, từ nay đến hết 30-5.

Hơn 4.500 tổ trưởng chuyên môn tham gia

Tại khóa bồi dưỡng này, giáo viên được giới thiệu các vấn đề chung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thảo luận để tìm ra những khác biệt của chương trình mới so với chương trình hiện hành, khác biệt của từng môn học giữa 2 chương trình. Các học viên tiếp đó được hướng dẫn và thực hành xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề của môn học và hoạt động giáo dục; hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.

4.500 tổ trưởng chuyên môn tham gia khoá bồi dưỡng này đều là giáo viên lần đầu tiên được tham gia chương trình bồi dưỡng về chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tiêu chí lựa chọn là giáo viên phải là tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp tại cơ sở giáo dục tiểu học. Thầy cô cần có khả năng thiết kế, triển khai các giờ dạy minh họa, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng cho đồng nghiệp về phương pháp, kỹ thuật dạy học, giáo dục, nội dung đổi mới liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, giáo viên phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục.

Những tiêu chí này nhằm đảm bảo giáo viên được tham gia bồi dưỡng phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt những yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT 2018, có uy tín và khả năng hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện chương trình GDPT mới. Ngoài các yêu cầu trên, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT khi lựa chọn giáo viên cần cân đối số lượng học viên nam và nữ, có học viên là người dân tộc thiểu số.

Mỗi nhóm trường tiểu học gần nhau trên địa bàn (từ 5 trường trở lên) cần có ít nhất 1 học viên, không chọn từ 2 học viên trở lên trong cùng một trường tiểu học để đảm bảo việc bồi dưỡng được phát huy hiệu quả tại nhiều nhà trường.

4.500 học viên phân chia vào 10 khu vực tỉnh thành và tham gia bồi dưỡng theo 10 đợt khác nhau. Mỗi đợt bồi dưỡng, các giáo viên tiếp tục được chia lớp theo từng môn học và hoạt động giáo dục, để đảm bảo việc học tập và thảo luận đúng chuyên môn, đạt hiệu quả và chất lượng. Từ ngày 22-4, 10 lớp học với 500 học thuộc khu vực 1 gồm 6 tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình đã bắt đầu khoá bồi dưỡng trực tuyến về chương trình GDPT mới cho tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học.

boi duong giao vien thong qua hinh thuc truc tuyen voi nhieu hieu qua
Công tác bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới dù qua hình thức trực tuyến vẫ được đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Ảnh: T.F

Bồi dưỡng trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng

Việc bồi dưỡng trực tuyến được tiến hành trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS của tập đoàn Viettell, do Bộ GD&ĐT quản lý. Phần mềm này có khả năng kiểm soát chặt chẽ và chính xác sự tham gia của các học viên vào quá trình bồi dưỡng trực tuyến. Hệ thống LMS vừa cung cấp kho học liệu phong phú để giáo viên có thể nghiên cứu bất cứ lúc nào, vừa cho phép người học tương tác thuận tiện với nhau theo nhóm nhỏ hoặc chung cả lớp.

Việc kiểm soát chất lượng của khóa bồi dưỡng trực tuyến còn được thực hiện thông qua việc Bộ GD&ĐT thành lập tổ kiểm tra độc lập và kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác bồi dưỡng này. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT được cấp tài khoản có khả năng kiểm tra, giám sát việc bồi dưỡng của tất cả các lớp và sự tham gia của các học viên tại các địa phương.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - TS Thái Văn Tài cho biết: “Sử dụng phương thức trực tuyến nhưng chúng tôi đảm bảo công tác bồi dưỡng vẫn được tiến hành hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ. Đặc biệt, phương thức bồi dưỡng trực tuyến còn góp phần giúp các thầy cô nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hiện đại để đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018, phù hợp xu hướng giáo dục tiên tiến của quốc tế”.

Tham gia khóa bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường tiểu học của khu vực 1, giáo viên Lê Thị Hiên - trường Tiểu học Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cảm thấy rất thoải mái khi chỉ ở tại trường cũng có thể tham gia học tập. “Công tác tổ chức và sắp xếp trình tự khóa bồi dưỡng rất hợp lý. Chúng tôi được giới thiệu và tìm hiểu những vấn đề chung của chương trình 2018, sự khác biệt với chương trình hiện hành và đi sâu vào từng môn học tương ứng với mỗi lớp học”.

Là giáo viên người dân tộc Thái tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), cô Lò Thị Hiệp cho biết, công tác tổ chức rất tốt, những trục trặc về đường truyền trong buổi học đầu tiên, sau khi cô thông báo với ban tổ chức, đã sớm được khắc phục. “Khóa bồi dưỡng đã cung cấp những kiến thức rất chi tiết về chương trình GDPT 2018, tường tận đến từng môn học và kỹ thuật dạy học, xây dựng kế hoạch môn học/hoạt động giáo dục. Việc được nghiên cứu trước tài liệu bồi dưỡng giúp học viên không bị động đối với các thông tin mà giảng viên cung cấp, từ đó chúng tôi có thể chủ động trao đổi lại trong quá trình bồi dưỡng trực tuyến, trả lời được các câu hỏi mà khoá học đặt ra. Cách thức này giúp học viên hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc hơn các nội dung về chương trình GDPT mới, các yêu cầu, kỹ thuật để thực hiện tốt việc giảng dạy chương trình này”, giáo viên Lò Thị Hiệp nói.

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động