Thứ năm 23/01/2025 20:32

Bước đi lâu dài để nâng cao chất lượng giống nòi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tính đến hết tháng 8-2019, tỷ lệ sàng lọc trước sinh trên địa bàn Hà Nội là 83,36% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 82,03%. Việc sàng lọc không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình mà là bước đi lâu dài vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi...

Đó là chia sẻ của ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội về công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn Hà Nội.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, để có được kết quả này, thời gian qua, TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Ngành dân số đã phát triển dịch vụ này đến tất cả các khoa sản của các bệnh viện từ mua sắm vật tư tiêu hao đến đào tạo kỹ thuật siêu âm lấy máu gót chân cho cán bộ; mở rộng ra cả các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện ngành trên địa bàn….

“Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh giờ không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi...”, ông Tạ Quang Huy nói.

Từ nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của các chương trình chẩn đoán, tầm soát trước sinh, sơ sinh đối với việc nâng cao chất lượng dân số, sức khoẻ giống nòi nên số người tự nguyện tham gia các gói xét nghiệm đã dần gia tăng.

buoc di lau dai de nang cao chat luong giong noi
Chị Hà Thị Thanh Hương thấy may mắn vì lựa chọn gói dịch vụ sàng lọc sơ sinh nên đã kịp thời phát hiện bệnh của con (ảnh V.H)

Chị Hà Thị Thanh Hương, sinh con tại BV Đa khoa Sơn Tây đã lựa chọn gói dịch vụ tầm soát có giá 600.000 đồng. Điều vô cùng may mắn cho gia đình là nhờ giọt máu gót chân cháu bé, bác sỹ đã kịp thời phát hiện ra căn bệnh hiếm của cháu: Suy giáp bẩm sinh!.

Bệnh suy tuyến giáp nếu không được phát hiện sớm trẻ sẽ vàng da kéo dài, da phù thô ráp, rốn lồi táo bón dễ chẩn đoán thoát vị rốn, phình đại tràng bẩm sinh. Khi lớn dần lên trẻ ngủ nhiều, ít khóc, phản xạ chậm, chậm phát triển tinh thần và vận động. Trẻ sẽ đần về trí tuệ, chậm phát triển chiều cao, thiếu máu, lưỡi dày sống mũi tẹt, mũi to xấu… Rất may mắn chị Hương đã lựa chọn gói xét nghiệm sau sinh nên phát hiện bệnh của con và có can thiệp kịp thời.

Còn chị Nguyễn Khánh Ngọc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cảm thấy mình vô cùng may mắn vì phát hiện ra bệnh dị tật ống thông động mạch qua lần khám sàng lọc tại trường mầm non. Trải qua cảm giác sốc vì bất ngờ khi con bị bệnh, chị đã vực dậy để chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ cho con làm thủ thuật. Đầu tháng 5-2018 cháu bé được mổ và sức khoẻ ổn định.

Với khoa học kỹ thuật hiện đại, việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh giúp phát hiện một số bệnh như: Tan máu bẩm sinh; rối loạn chuyển hoá bẩm sinh; down; tim bẩm sinh; dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này, các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường); tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; suy giáp trạng bẩm sinh...

Ông Tạ Quang Huy cho biết, từ năm 2013 Hà Nội đã triển khai đến 100% xã phường. Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện sàng lọc các bệnh khiếm thính (năm 2018 qua sàng lọc nghi ngờ 3.828 trẻ nghe kém, chẩn đoán xác định 124 ca nghe kém); thalassemia (nghi ngờ 1.306 ca mang gene bệnh, chẩn đoán xác định 248 ca mang gene bệnh); tim bẩm sinh (nghi ngờ tổng 9 ca có bệnh lý, 6 ca dị tật…). Trong số 200.000 trẻ sinh ra được sàng lọc hàng năm Hà Nội đã có hơn 100.000 trẻ được sàng lọc (chiếm 50%).

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động