Thứ năm 23/01/2025 22:25
Giải đáp pháp luật

Cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì về đăng ký hộ tịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Vợ tôi vừa mới sinh con. Tháng tới, tôi sẽ ra UBND xã đăng ký khai sinh cho con. Vậy, xin quý báo cho biết, cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì về đăng ký hộ tịch? Nhà nước có chính sách như thế nào trong bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch?

(Nguyễn Mai Hương, huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Điều 6 Luật Hộ tịch quy định cá nhân có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi ủy quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.

Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột của người được ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

3. Người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật.

Vậy, Nhà nước có chính sách như thế nào trong bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch?

Điều 8 Luật Hộ tịch quy định:

1. Nhà nước có chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện để cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

2. Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ thông tin cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.

Việc yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu đăng ký hộ tịch được thực hiện theo phương thức:

1. Có 3 loại việc đăng ký hộ tịch như đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ con, đăng ký lại kết hôn thì người yêu cầu phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác và cấp bản sao trích lục hộ tịch, có thể nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

2. Khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch, cá nhân xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân thân và nộp lệ phí đằng ký hộ tịch, lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu không thuộc diện được miễn lệ phí.

3. Đối với những việc đăng ký hộ tịch có quy định thời hạn giải quyết, thì người tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy tiếp nhận; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì phải hướng dẫn bằng văn bản để người đi đăng ký hộ tịch bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ bổ sung.

Trường hợp người có yêu cầu nộp hồ sơ không đúng cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người đi đăng ký hộ tịch đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ.

Ngày 28/5/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ. Kế thừa quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP về ủy quyền trong đăng ký hộ tịch đối với một số trường hợp được ủy quyền cho người khác làm thay (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con). Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

Tuy nhiên, Thông tư 04 quy định rõ hơn việc ủy quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em, cụ thể: Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.

Do vậy, kể từ ngày 16/7/2020, ông, bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đi đăng ký khai sinh cho trẻ không cần có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ.

B.A
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động