Các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó 3 biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp được quy định tại Điều 53 Công ước UNCAC. Theo đó Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội tham nhũng (điểm a).
Với biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp này, các quốc gia thành viên cần phải có một cơ chế pháp lý trong nước cho phép quốc gia thành viên khác được khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án của nước mình để thu hồi tài sản của họ hoặc phải có cơ chế cho phép quốc gia thành viên khác can thiệp hoặc tham gia, có mặt trong quá trình tố tụng trong nước mà mình đang tiến hành để xem xét vụ kiện yêu cầu bồi thường của các quốc gia thành viên đó.
Thuận lợi của việc truy tố bị án dân sự bao gồm khả năng quy định trách nhiệm pháp lý trên cơ sở các chuẩn mực dân sự mà không cần có bản án hình sự đối với người sở hữu hay chủ tài sản, và tìm kiến tài sản trong các trường hợp không có bản án hình sự khi có đủ chứng cứ đáp ứng các chuẩn mực dân sự cho thấy rằng tài sản là có được một cách phi pháp.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá thực tiễn thực thi cho thấy phương án kiện dân sự để đòi bồi thường, thường là dựa trên tài sản hoặc lỗi khi thực thi pháp luật. Một quốc gia có thể yêu cầu quyền sở hữu đối với tài sản đã bị lấy đi một cách bất hợp pháp hoặc yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại đã bị gây ra bởi tham nhũng và những sai trái trong quản lý. Có thể sử dụng biện pháp này khi không thể tiến hành truy tố hình sự (trong trường hợp bị cáo chết hoặc vắng mặt).
Việc thực hiện yêu cầu này có liên quan chặt chẽ đến quy định tại khoản 1, Điều 43 của Công ước về việc yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hợp tác trong điều tra và tố tụng dân sự và hành chính liên quan đến tham nhũng (thông qua tương trợ tư pháp về dân sự).
Cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó (điểm b).
Quy định này yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép tòa án của mình ra lệnh cho người thực hiện tội phạm tham nhũng theo quy định của Công ước phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó. Các quốc gia khi thực thi có thể phải rà soát pháp luật hiện hành liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc các quyết định về bồi thường để xem pháp luật trong nước đã điều chỉnh tình huống này đầy đủ theo yêu cầu của Công ước chưa. Đồng thời, để thực hiện điều này, các quốc gia thành viên phải có cơ chế cho phép các quốc gia thành viên khác được đứng trước tòa và thông báo về các thiệt hại.
Cho phép tòa án hay các cơ quan chức năng khác của mình khi ra quyết định tịch thu công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội tham nhũng (điểm c)
Quy định này của Công ước đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia thành viên phải có cơ chế cho phép tòa án hay các cơ quan có thẩm quyền của mình, khi ra quyết định tịch thu, công nhận tuyên bố của quốc gia thành viên khác về vấn đề chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản có được do phạm tội theo quy định của Công ước. Để thực hiện quy định này, các quốc gia cần rà soát pháp luật trong nước về vấn đề tài sản có được do phạm tội để xem đã có cơ chế công nhận các tuyên bố như vậy của các quốc gia khác hay chưa.
Như vậy, có thể thấy rõ, việc thực hiện các biện pháp trên của Công ước có thể yêu cầu phải ban hành hay sửa đổi pháp luật quy định về thủ tục tố tụng dân sự, hành chính hay các quy định về quyền tài phán đặt ra các yêu cầu bắt buộc về nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại