Thứ hai 03/02/2025 17:54

Các quốc gia thành viên có thể đề xuất sửa đổi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các quốc gia thành viên Công ước có thể đề xuất sửa đổi Công ước và phải gửi đề xuất đó đến Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Bạn đọc Lê Thị Lan, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Xin quý báo cho biết, các quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) có quyền thay đổi nội dung của Công ước không?

Vấn đề bạn hỏi, báo PL&XH tư vấn như sau: Công ước ICCPR được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49.

Công ước ICCPR được làm bằng tiếng A-rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Tại Điều 51 của Công ước nêu rõ: Các quốc gia thành viên Công ước có thể đề xuất sửa đổi Công ước và phải gửi đề xuất đó đến Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ chuyển mọi đề xuất sửa đổi cho các quốc gia thành viên Công ước, cùng với yêu cầu cho Tổng thư ký biết liệu họ có muốn triệu tập một hội nghị các quốc gia thành viên để xem xét và thông qua những đề xuất sửa đổi đó hay không.

Nếu như có tối thiểu 1/3 số quốc gia thành viên Công ước tuyên bố tán thành triệu tập hội nghị nói trên thì Tổng thư ký sẽ triệu tập hội nghị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Mọi sửa đổi được thông qua với đa số số phiếu của các quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu tại hội nghị sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để chuẩn y.

Những sửa đổi sẽ có hiệu lực khi được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chuẩn y, và được 2/3 các quốc gia thành viên Công ước này chấp thuận theo thủ tục pháp luật của mình.

Khi có hiệu lực, những sửa đổi sẽ chỉ ràng buộc những quốc gia chấp nhận sửa đổi. Các quốc gia thành viên khác chỉ bị ràng buộc bởi những quy định của Công ước này và bất kỳ sửa đổi nào mà trước đó họ đã chấp nhận.

Điều 52 cũng quy định, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ vẫn thông báo cho tất cả các quốc gia nêu ở khoản 1 điều 48 những sự kiện sau đây: Việc ký, phê chuẩn và gia nhập Công ước này theo Điều 48; Ngày Công ước này có hiệu lực theo Điều 49 và ngày các sửa đổi, bổ sung có hiệu lực theo Điều 51.

Như vậy, các quốc gia thành viên Công ước có thể đề xuất sửa đổi Công ước. Những sửa đổi sẽ có hiệu lực khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc chuẩn y, và được 2/3 các quốc gia thành viên Công ước này chấp thuận theo thủ tục pháp luật của mình.

H.L
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động