Thứ sáu 24/01/2025 00:42

Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường chuyển phát nhanh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đánh giá, lĩnh vực chuyển phát thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc giành giật đơn hàng từ bán hàng trực tuyến của hàng loạt tân binh nội - ngoại với sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính, công nghệ để đối đầu với những ông lớn đã định vị tên tuổi lâu năm trên thị trường.

Theo Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng.

Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt. Kết thúc năm 2020, với tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số.

Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Điều đó có nghĩa là, thị trường giao hàng trực tuyến sẽ phát triển tương ứng.

Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường chuyển phát nhanh
Thị trường chuyển phát nhanh đang cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian qua.

Mới đây, start-up giao đồ ăn và TMĐT của Việt Nam là Loship đã công bố khoản đầu tư mới nhất từ ông Jaan Tallinn, nhà đồng sáng lập phần mềm Skype, thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings. Trước đó, năm 2020, GD Express (Malaysia) đã rót gần 3,3 triệu USD để sở hữu 50% Cty Chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco), đặt nền tảng cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…

Ngoài ra, các đại gia như Tổng Cty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Viettel Post cũng không tiếc tiền đầu tư vào hạ tầng. Năm 2020, cùng với việc quy hoạch mạng lưới kho tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Viettel Post đã đầu tư, xây dựng nâng tổng diện tích kho lên 100.000 m2, gấp 2 lần so với năm 2019...

Bên cạnh sự phát triển của TMĐT, thị trường giao hàng trực tuyến có sự gia nhập thêm của các đối thủ ngoại khá mạnh như J&T Express, Best Express. Đây là những đối trọng đã khuấy động thị trường bằng thị phần và giá, đồng thời đưa mô hình nhượng quyền trong kinh doanh chuyển phát nhanh đến Việt Nam, với lợi thế tốc độ mở rộng nhanh với chi phí thấp.

DN chuyển phát nước ngoài đã nhanh chóng giành thị phần, buộc một số Cty trong nước như Vietnam Post và Viettel Post phải giảm giá dịch vụ 10 - 15%.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post nhận định: “Đã đến lúc, chúng tôi phải tái đầu tư không chỉ vào công nghệ, mà còn là hạ tầng. Tại Việt Nam, DN logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì một ngày nào đó, DN Việt Nam sẽ biến mất trên chính đất nước mình”.

Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường chuyển phát nhanh
Với xu thế phát triển của thương mại điện tử thì chuyển phát nhanh đang là mảnh đất màu mỡ dành cho các đơn vị chuyển phát trong và ngoài nước.

Có thể nói thị trường chuyển phát nhanh chính là “miếng bánh” đối với các DN Việt nhưng nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường này sẽ lại đi theo vết xe đổ của ngành logistics, để DN ngoại thâu tóm, chiếm hết thị phần.

Những thách thức lớn mà DN Việt đang phải đối mặt là nguồn lực về tài chính và công nghệ. Hạ tầng cơ sở TMĐT của Việt Nam đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn còn rất hạn chế so với các nước xung quanh.

Hậu cần trong ngành này cũng còn sơ sài, quá quen với kiểu giao nhận truyền thống. Các vấn đề quan tâm đối với thiết bị hệ thống IT còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo ra được mạng lưới lớn đủ năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Từ đây có thể thấy rõ thời gian tới sẽ là thời điểm để ngành chuyển phát đón nhận cơ hội lớn, song hành cùng sự cạnh tranh quyết liệt. Rất có thể, sẽ diễn ra cuộc “so găng” giành thị phần giữa các DN Việt với các nhà kinh doanh chuyển phát xuyên quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát diễn ra mạnh mẽ, khốc liệt hơn nhiều so với lĩnh vực viễn thông. Bởi lẽ, lĩnh vực viễn thông chủ yếu cạnh tranh giữa 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel, trong khi lĩnh vực bưu chính xuất hiện khoảng 300 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ, trong đó có 2 DN lớn là Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Tổng Cty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Thậm chí, chưa kể một loạt DN bưu chính không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động bưu chính chuyển phát không phép (xe khách vận chuyển hàng hóa với chi phí chỉ 20.000 - 30.000/gói hàng liên tỉnh).

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động