“Chặt chém” phí trông xe ở điểm du lịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó mặt ở khu danh thắng Tây Thiên, du khách dễ dàng nhận thấy quang cảnh nhếch nhác bừa bãi. Một bãi đất rông mênh mông, ngay trước khu danh thắng đã được “tận dụng” làm những cụm bãi trông xe. Bên cạnh bãi trông xe này, những dãy hàng quán lộn xộn, với đủ loại bảng biển quảng cáo mời chào thò ra thụt vào, không theo thứ tự. Những người chụp ảnh dạo, bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách hàng.
Qua tìm hiểu PV báo PL&XH được biết, mặc dù ghi trên vé trông xe máy giá tiền 4.000đ, nhưng thực tế du khách đến khu danh thắng Tây Thiên đều phải ngậm ngùi chấp nhận bỏ khoản tiền 10.000đ/xe máy. Bức xúc vì bị những người trông xe “chặt chém” một cách trắng trợn, nhiều du khách thắc mắc, thì được những nhân viên trông xe tại đây giải thích, số tiền 10.000đ/xe máy là bao gồm cả tiền trông… mũ bảo hiểm.
“Ở đây chúng tôi chỉ trông xe, còn mũ bảo hiểm thì không chịu trách nhiệm. Nếu không đồng ý, các anh có thể cầm theo người, hoặc đội trên đầu… rồi đi vào chùa lễ Phật. Còn nếu cứ để trên xe lát nữa quay ra… mất thì đừng nói rằng chúng tôi không bảo trước” – một nhân viên tại bãi trông xe ở danh thắng Tây Thiên luôn cất lời “đe dọa” những du khách khi họ có ý kiến thắc mắc về việc thu tiền trông mũ bảo hiểm.
Thực tế, những người soát vé đều là người bản xứ, trong khi du khách là người địa phương khác. Những lời “cảnh cáo” nói trên của những người trông xe bản xứ đã tỏ ra có hiệu quả, khiến các du khách răm rắp nộp thêm khoản tiền 6.000đ để cho chiếc mũ bảo hiểm của mình được “an toàn”, dù không đồng tình với cách thức thu tiền nói trên của nhân viên soát vé. Thực trạng “chặt chém” hết sức trắng trợn này, đã diễn ra nhiều năm nay, quá bức xúc một số du khách cũng đã phản ánh trên các trang mạng xã hội.
Chia sẻ trên Facbook, tài khoản Nguyễn Hằng cho biết: “Đến Tây Thiên, mình gửi xe ở bãi xe máy số 2 bảng niêm yết giá 4.000 đồng, mình đã chuẩn bị 4.000 đồng ra đưa nhà xe, họ quát mình là 10.000 đồng. Khi mình thắc mắc tại sao lấy cao hơn giá niêm yết, thì họ bảo hết giờ trông xe (thực tế khi đó là 5h30 chiều) và kèm theo (tiền trông) 2 cái mũ. Mình nói các anh nhìn thấy biển lạ bắt nạt à (mình gốc Phú Thọ, biển 19), họ giật mũ bảo hiểm mình đang treo ở xe vứt xuống đất. Họ bảo không đưa 10.000 đồng thì để mũ, còn đưa 4.000 đồng bỏ 1 cái mũ lại…”
Được biết, bãi trông xe nói trên thuộc quyền quản lý của Cty TNHH Nguyệt Nga. Theo giá vé niêm yết 4.000 đồng/xe máy, tuy nhiên du khách gửi xe máy phải “cắn răng” bỏ ra khoản tiền 10.000/xe máy. Qua quan sát, những ngày đầu năm du khách đến vãn cảnh lễ phật ở danh thắng Tây Thiên đông nườm nượp. Nên nếu tình trạng “chặt chém” nói trên không được chấn chỉnh, thì khoản tiền mà du khách bị “móc túi” sẽ là… vô cùng lớn.
Dù giá vé niêm yết 4000đ/xe máy, nhưng nhiều du khách bị "chặt chém" mức giá 10.000đ/xe máy ở danh thắng Tây Thiên... |
Chiều 22-2 (mùng 7 tháng Giêng), theo ghi nhận thực tế của PV, tại bãi gửi xe của Cty TNHH Nguyệt Nga lượng xe ra vào rất đông. Ngay gần cửa thu soát vé có treo bảng giá niêm yết đối với xe máy là 4.000 đồng (ban ngày), 15.000 đồng (ban đêm), 35.000 đồng (cả ngày đêm); ô tô 04-12 cỗ 15.000 đồng (ban ngày), 35.000 đồng (ban đêm)…
Nhưng, thời điểm phóng viên có mặt ghi hình lúc gần 16h thì giá thu đối với xe máy tại Cty TNHH Nguyệt Nga là 10.000 đồng. Khi trả vé, có du khách thắc mắc về giá, nhưng đa phần du khách đều chấp nhận trả tiền cho xong để ra về.
Điều đáng nói, khi trả, có du khách thắc mắc giá gửi xe thì nhân viên thu tiền trả lời với thái độ rất khó chịu như "có 10.000 bạc mà thắc mắc"...
Về thực trạng trông xe “chặt chém” đang diễn ra ở công khai trắng trợn ở danh thắng Tây Thiên, khiến dư luận bức xúc, ông Lưu Đức Long, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cũng cho biết: Cơ quan chức năng địa phương cũng đã tiếp nhận phản ảnh của người dân. Huyện cũng đã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, phát hiện sai phạm để xử lý.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại