Thứ sáu 24/01/2025 00:24

Chính phủ đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 9-6, tiếp tục Chương trình Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội. Do đó, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Về những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với quản lý thu ngân sách nhà nước, Chính phủ đề nghị thí điểm giao HĐND thành phố Hà Nội quyết định việc thu phí. Để tạo điều kiện cho Hà Nội có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Quy định TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

chinh phu de xuat thi diem mot so co che chinh sach tai chinh ngan sach dac thu voi ha noi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, Chính phủ đề nghị quy định HĐND TP Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Đề xuất cho Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do thành phố quản lý.

Chính phủ cũng trình Quốc hội quy định TP Hà Nội được sử dụng ngân sách cấp TP hỗ trợ các địa phương khác trong nước; cho phép các quận, huyện sử dụng ngân sách của cấp huyện để hỗ trợ các quận, huyện khó khăn của TP Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của thành phố từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; Hà Nội được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan.

Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% so với số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố đến ngày 31-12 năm trước. Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của TP Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết.

chinh phu de xuat thi diem mot so co che chinh sach tai chinh ngan sach dac thu voi ha noi
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Để qua đó góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về các nội dung của Dự thảo Nghị quyết.

Các cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô sẽ bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội. Thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội sẽ đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động