Chủ động bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLà địa phương có hệ thống sông, ngòi, đê điều lớn, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư tu bổ nâng cấp, song vẫn còn một số trọng điểm xung yếu. Để chủ động phòng chống lụt bão có hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. TP đã và đang tập trung nguồn lực, tăng cường công tác quản lý bảo vệ an toàn các công trình đê điều trước những diễn biến thiên tai năm 2019.
Hà Nội có các sông lớn chảy qua, như: sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ, tổng số chiều dài đê 626,124 km. Riêng hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có chiều dài 231,246km từ đê cấp II đến cấp đặc biệt, nhiều tuyến đê kết hợp mặt đê là đường giao thông chính liên tỉnh, liên huyện với mật độ giao thông lớn.
Theo nhận định, năm 2019 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Ðể chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng hộ đê, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai về kiểm kê, rà soát, đánh giá phân loại vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.
Hà Nội củng cố nhiều tuyến đê ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh:T.L |
Đi đôi với ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật đê điều, công tác đầu tư tu bổ đê điều trên địa bàn TP bảo đảm an toàn chống lũ theo thiết kế đã được triển khai. Trong đó, đã đầu tư, xóa bỏ được 5 trọng điểm, xung yếu gồm: Nâng cấp đê Sen Chiểu; kè Cổ Đô; kè Gia Thượng, Thanh Am, Tình Quang đê hữu Đuống; kè Đổng Viên; kè Tân Hưng, Cẩm Hà đê hữu Cầu.
Cùng với đó, xử lý khẩn cấp, khắc phục kịp thời các sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn đê điều tại các khu vực: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề (quận Long Biên); Yên Viên, Lệ Chi, Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Khánh Thượng, Minh Quang, Phong Vân, Minh Châu (huyện Ba Vì); Thọ An, Hồng Hà, Liên Trì (huyện Đan Phượng); Chương Dương, Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng); Ninh Sở, Chương Dương (huyện Thường Tín); Đại Gia (huyện Phú Xuyên)...
Bên cạnh đó, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội vừa rà soát kế hoạch về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của UBND TP Hà Nội.
Đối với dự án củng cố, nâng cấp đê bờ hữu sông Đáy (đoạn đê mới được phân cấp): Tính từ K18+420 đê hữu Đáy đến hết địa phận huyện Mỹ Đức có tổng chiều dài 51.250m (theo phân cấp là tuyến đê cấp IV). Liên quan đến kế hoạch tu bổ nâng cấp, UBND huyện Chương Mỹ đang được giao lập chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đê hữu Đáy hiện trạng (đoạn qua huyện Chương Mỹ) có chiều dài 17,1km/21,27km, không lập xây dựng tuyến đê hữu Đáy mới theo quy hoạch.
Đối với dự án xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống đã hoàn thành. Quy mô đầu tư dự án gồm: Xây dựng kè hộ chân, lát mái hộ bờ từ K4+500 đến K6+500 đê hữu Đuống, dài 2.000m. Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống đê sông Công kết hợp làm đường giao thông trên địa bàn xã Trung Giã và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn): Quy mô xử lý cấp bách hộ chân chống sạt lở 1.300m; chưa đầu tư cải tạo nâng cấp mặt đê, kết hợp giao thông; hoàn thành xử lý hộ chân chống sạt lở năm 2013.
Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống đê bối sông Hồng phường Thượng Cát và Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm): Tuyến đê bối sông Hồng, phường Thượng Cát và Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), tương ứng từ K47+980 đến K52+900 đê hữu Hồng, dài 4.920m, đoạn tương ứng từ K47+980 đến K49+815 đê hữu Hồng, dài 1.835m đã được cứng hóa mặt đê bằng bê tông; đoạn tương ứng từ K49+815 đến K51+750 đê hữu Hồng, dài 1.935m, mặt đê đã được thảm nhựa; đoạn tương ứng từ K51+750 đến K52+900 đê hữu Hồng, dài 1.150m, hiện trạng là đê đất, cao trình mặt đê bối tương đương đương cao trình hiện trạng xung quanh, hiện trạng tuyến đê bối này bị chia cắt nhiều đoạn và không còn tác dụng ngăn lũ.
Còn dự án xử lý tổng thể kè chống sạt lở bờ sông Hồng, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), có quy mô xử lý cấp bách hộ chân chống sạt lở 1.137m đã hoàn thành năm 2015.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp trong công tác hộ đê và phòng chống thiên tai mà Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã, đang triển khai thực hiện, qua đó sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai có thể gây ra trên địa bàn TP.
Theo ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, hàng năm, TP Hà Nội đều có phương án hộ đê và bảo vệ các trọng điểm về đê điều để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai; tổ chức công tác trực ban theo dõi bão, áp thấp nhiệt đới, cập nhật tin tức và thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản do bão lũ gây ra. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại