Thứ năm 23/01/2025 19:26

Chủ tịch HĐND TP: Xác định rõ trách nhiệm trong quản lý thiết chế văn hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 25/4, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Phiên họp giải trình để đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành trong đầu tư, khai thác, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP.
Quang cảnh Phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, sáng 25/4
Quang cảnh Phiên họp giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức, sáng 25/4

Sáng nay (25/4), Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP Hà Nội.

Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu - UBTV Quốc hội Tạ Thị Yên; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Cùng dự có lãnh đạo các vụ thuộc các Ban Đảng T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Quốc hội, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các đại biểu Quốc hội TP, đại biểu HĐND TP khóa XVI; lãnh đạo các Ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND TP; giám đốc các sở, ban, ngành TP; lãnh đạo một số quận, huyện, xã phường thuộc TP.

Đây là phiên giải trình đầu tiên của Thường trực HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội phát biểu Khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình, nhất là việc phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần trong quá trình hội nhập và phát triển.

Các đại biểu dự Phiên họp giải trình
Các đại biểu dự Phiên họp giải trình

Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06 về "Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025"; Nghị quyết số 09 về "phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo Chủ tịch HDDND TP, trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố ban hành các Nghị quyết, dành nguồn lực, thông qua các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ. UBND Thành phố, các cấp, các ngành và các quận, huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Theo Chủ tịch HĐND TP, một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác định trong Chương trình, Nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố, đó là việc quan tâm, đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa tại cơ sở.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc

Theo báo cáo của UBND Thành phố, đến tháng 3/2022, toàn Thành phố có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp Thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND Thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của Nhân dân. Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả...

"Xuất phát từ yêu cầu đó, trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban HĐND Thành phố khảo sát, chuẩn bị nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên họp giải trình của Thường trực HĐND Thành phố, qua đó đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết và các Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Các đại biểu HĐND TP tham dự phiên giải trình
Các đại biểu HĐND TP tham dự phiên giải trình

Theo Chủ tịch HĐND Thành phố, các nội dung cụ thể của Phiên giải trình gồm: Về đối tượng, nội dung, phạm vi giải trình, Thường trực HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố, các sở, ban ngành Thành phố, UBND các quận huyện, thị xã và các đơn vị liên quan báo cáo, giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các thiết chế cụ thể được xác định trong đề cương báo cáo của các cơ quan, đơn vị.

Phiên họp giải trình của Thường trực HĐND Thành phố được tổ chức công khai, dân chủ, có sự tham gia của các đại biểu HĐND Thành phố và được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát.

Để phiên họp đạt được hiệu quả, chất lượng và đúng quy định của Luật, Thường trực HĐND Thành phố đề nghị, các vị đại biểu HĐND Thành phố đặt câu hỏi, nêu vấn đề về những nội dung, lĩnh vực cần quan tâm. Thời gian đặt câu hỏi cho mỗi đại biểu không quá 2 phút. Đối với người được yêu cầu giải trình, phải giải trình đúng nội dung, đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình và thời gian khắc phục để đại biểu HĐND và cử tri và theo dõi, giám sát.

Thời gian giải trình tối đa là 3 phút cho một vấn đề. Trong phiên họp, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thành viên UBND Thành phố và các đơn vị liên quan sẽ tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công.

"Căn cứ kết quả giải trình, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành kết luận để theo dõi, giám sát việc triển khai, thực hiện" - Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.

Linh Nguyễn, Ảnh: Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động